Tháng tư hằng năm là dịp người dân các nước Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, My-an-ma chào đón ngày Tết cổ truyền dân tộc. Hãy điểm qua một số hoạt động đặc sắc trong dịp lễ này ở từng quốc gia.
Thái Lan – Tết SongKran ( 13 đến 15/4)
Vào sáng ngày Tết đầu tiên, người Thái ăn mặc đẹp, cùng dùng chung bữa cơm gia đình và lên chùa sớm. Họ mang nước thơm lên chùa lau chùi tượng Phật để tỏ lòng thành kính và cầu may mắn.
Vào ngày thứ 2 (gọi là Wan Nao ( hay còn gọi là ngày chuẩn bị) được xem như đêm Giao thừa trong Tết của người Thái. Theo truyền thống, vào ngày này mọi người sẽ nói những điều tốt đẹp, không làm bất kì hành động nào sai trái, chúc nhau năm mới gặp nhiều may mắn.
Không khí Tết bắt đầu nô nức từ ngày 13/4 khi lễ hội té nước được diễn ra. Theo quan niệm của người Thái, tạt nước nhằm xóa bỏ đi những điều xui xẻo của năm cũ và cầu mong may mắn trong năm mới. Đây là một phong tục khiến khách du lịch đến với Thái Lan cảm thấy rất thích thú.
Đến với Thái Lan dịp này bạn nên thưởng thức mâm cơm ngày Tết với các món ăn truyền thống như Tom Yam (canh chua), Kang Phed (súp cay), Kai Yang (gà nướng).
Lào – Tết Bunpimay (13 đến 15/4)
Lào và Thái Lan là 2 quốc gia theo Phật giáo và có chung nhiều nét văn hóa. Ngày Tết ở nước có nhiều điểm tương đồng nhau. Cùng điểm qua một số hoạt động của người dân Lào trong dịp năm mới.
Té nước – Vào ngày đầu tiên của Tết, người dân Lào lên chùa cầu nguyện sau đó té nước thơm lên Tượng Phật để cầu may mắn. Nước không chỉ được té lên người mà còn được lên nhà cửa, vật dụng và công cụ lao động sản xuất để mong mọi việc suôn sẻ trong năm mới.
Xây tháp cát – Cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm.
Phóng sinh- Các loài động vật như rùa, cá, cua, chim, lươn và các con vật nhỏ khác được phóng sinh.
Hái hoa tươi – Vào các buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật. Trong khi đi hái hoa người ta chơi trống và các nhạc cụ cổ truyền. Những người khác thì đem nước đến lau rửa hoa.
Món ăn lạp – Trong ngày Tết, người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp (lộc), đặc biệt là các doanh nhân bởi theo họ, nếu món này mà không ngon thì năm mới làm ăn sẽ gặp nhiều xui xẻo. Lạp thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị, quan trọng nhất là thính. Lạp thường được ăn với xôi nóng.
Buộc chỉ cổ tay- Ngày tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe.
Cam-pu-chia – Tết Chol Chnam Thmay (12 đến 15/4)
Lễ đắp cát – Nghi thức quan trọng nhất của Tết Chol Chnăm Thmây là mỗi nhà đắp 5 núi cát: tượng trưng cho trung tâm vũ trụ và các hướng Đông-Tây-Nam-Bắc. Những nơi không có cát thì thay thế bằng gạo hoặc bánh, trái cây xếp chồng lên nhau…
Trang trí bàn thờ -Trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 cây đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại cây quả. Cả gia đình ngồi xếp chân trước bàn thờ tổ tiên, khấn vái, mong và tin rằng sẽ được thần ban phước lành.
Lễ hội đường phố – Ngày thứ ba của Tết là lễ tắm Phật. Vào buổi tối khách du lịch sẽ có cơ hội tham gia vào Lễ hội đường phố với các hoạt động hấp dẫn như té nước, bôi bột màu,…
My-an-ma – Tết Thingyan (13 đến 16/4)
Đêm Giao thừa – Trước khi trời tối, những cuộc vui thật sự bắt đầu với âm nhạc, hát múa, các trò hề và các trò bói toán mua vui khác.
Lễ hội nước ở Miến Điện – Nước được xúc từ các thuyền lớn rồi đổ vào nguời trẩy hội và người ta ăn món bún cá mohinga phiên bản Rakhine.
Ngày Tân niên – Đây là thời điểm mọi người viếng thăm người lớn tuổi và quỳ lạy để thể hiện lòng tôn kính cũng như là dâng nước đựng trong các nồi đất nung và xà phòng thơm. Người nhỏ tuổi sẽ gội đầu cho người lớn tuổi, theo cách thức truyền thống là với hạt và vỏ của cây keo Acacia rugata.