Penang ngày mới, nắng lên rực rỡ tô màu cho phố xá. Chiếc xe buýt len lỏi giữa dòng xe vội vã, bỏ lại sau lưng bao lối nhỏ bình yên để tiến về phía bắc. Nơi ấy, biển Batu Ferringhi đang chờ.
Tôi vào bốt cảnh sát trên phố Chulia – George Town để hỏi bến xe buýt số 101 đi Batu Ferringhi. Xe buýt ở Penang rất hiện đại và tiện dụng, ngoài xe miễn phí cho du khách đi đến các điểm tham quan của phố cổ còn có nhiều chuyến xe buýt khác đưa khách đến các khu vực xa trung tâm hàng chục kilômet với chi phí khá rẻ.
Chúng tôi lên xe và tôi chỉ phải trả 2 RM cho vé của mình (xấp xỉ 14.000 đồng), con trai tôi 10 tuổi thì một nửa vé. Tôi cẩn thận hỏi lại người lái xe rằng chuyến xe này sẽ đi đến điểm cuối cùng trong hành trình là công viên quốc gia Penang đúng không.
Người đàn ông gật đầu và ra ý bảo tôi ngồi xuống ghế, đến nơi ông sẽ thông báo.
Chuyên nghiệp
Là khu nghỉ dưỡng ven biển được ưa thích của du khách cũng như dân địa phương, bãi biển nổi tiếng này có một hệ thống khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển, quầy hàng lưu niệm vô cùng phong phú cùng một phiên chợ được tổ chức hàng đêm với vô số các sản phẩm để bạn lựa chọn.
Hầu hết hành khách trong chuyến xe buýt 101 đều xuống ở trạm Batu, chỉ còn lại vài người đi tiếp đến chặng cuối cách đó 3km. Lái xe buýt rất chuyên nghiệp, lên dốc xuống đèo vào cua dọc theo bờ biển cứ vun vút, mặc du khách đôi lúc thắt tim vì giật mình.
Xe đỗ ngay cửa rừng và chúng tôi được hẹn đón về cứ mỗi 15 phút/chuyến xe buýt cho đến tận 6g tối.
Sau khi nghiên cứu bản đồ các tuyến khám phá ở vườn quốc gia Penang, tôi đăng ký thông tin ở quầy với tuyến đường tới bãi biển Khỉ (Monkey Beach) và ngọn hải đăng Muka Head rồi quay trở ra mấy gian hàng địa phương để mua nước và chút đồ ăn vặt.
Một thanh niên ở Teluk Bahang, một thị trấn đánh cá nhỏ ngay cửa ngõ vườn quốc gia, hỏi tôi có muốn tới Monkey Beach bằng canô không. Không bán vé cho từng khách mà cho thuê theo tàu, một chuyến cano chở được 4-8 khách với chi phí rẻ nhất mà tôi mặc cả được là 50 RM (khoảng 350.000 đồng) cho một chiều di chuyển.
Nếu đặt trước thì sẽ có tàu đón ra, còn nếu thuê tại bãi biển thì chắc chắn phải trả ít nhất 60 RM. Cậu còn hướng dẫn tôi cách để tiết kiệm chi phí là tìm một số người cùng muốn quay ra bằng đường biển như mình và chia nhau tiền. Sau khi cân nhắc, tôi cảm ơn cậu bé và bắt đầu hành trình đi bộ đường dài.
Lên rừng
Lối vào công viên bám dọc theo bờ biển, cây cối xanh rì và sóng biển rì rào. Một đoạn lại thấy có một bộ bàn ghế bằng gỗ thơ mộng sát bãi biển dành cho người đi ngang dừng chân. Các lối mòn trong vườn quốc gia khá dốc nhưng được chăm sóc, bảo trì tốt, các điểm đánh dấu và hướng dẫn cũng khá rõ ràng.
Qua cây cầu nhỏ là một ngã ba, bên trái là đường tới Pantai Kerachut, một bãi biển xinh đẹp nơi có những con rùa biển làm tổ và rẽ phải là đường tới Monkey Beach và ngọn hải đăng lâu đời thứ hai của Malaysia.
Bãi biển Monkey còn có tên gọi khác là Teluk Duyung nằm cách cửa rừng khoảng 3km, nơi có rất nhiều khỉ sinh sống và chúng thường đi lang thang trên bãi biển hoặc những lối mòn trong rừng. Không hề sợ người, thậm chí nếu không cẩn thận, chúng sẽ cướp đồ của bạn và chạy tót vào rừng.
Theo bản đồ, chuyến hiking tới Teluk Duyung sẽ mất khoảng một giờ rưỡi, đi lên và đi xuống trên địa hình khá hiểm trở. Lối mòn trông tự nhiên, dù có sự can thiệp của con người để đảm bảo an toàn cho du khách nhưng rất khéo và kín đáo.
Con trai tôi ban đầu rất háo hức, đây là lần đầu tiên cháu phải tự đi bộ một quãng đường rừng khá dài. Khung cảnh yên tĩnh, cây cối rậm rạp, lối mòn thỉnh thoảng lại nhô ra trên đỉnh núi, bên dưới lùm cây là biển xanh ngút ngàn, vọng lên tiếng động cơ canô xé nước đang lao đi vun vút rồi lại trả cho không gian sự tĩnh lặng.
Chúng tôi cần mẫn bước trên những bậc đá, rễ cây chằng chéo bò ngang dọc trên mặt đất, thỉnh thoảng một vài nhóm khách du lịch nước ngoài và cả người bản địa lại vượt qua hai mẹ con.
Dạo chơi trong rừng giữa tiếng gió thổi xì xào, lá cây xào xạc, sóng biển ầm ào và tiếng chim hót lích chích luôn mang lại một cảm giác thư thái và dễ chịu. Đi một đoạn khá dài, cậu bé bắt đầu sốt ruột thì thấy có một dấu hiệu bên lề đường “2km to Monkey Beach” (còn 2km để tới bãi biển Monkey).
Dấu hiệu này cũng xuất hiện thêm hai lần nữa ở mốc 1km và 500m, vào lúc mà cơ thể đã đổ mồ hôi kha khá và thấm mệt thì việc nhìn thấy dấu hiệu này cũng giống như được uống nước tăng lực vậy.
Lối mòn đưa chúng tôi rời khỏi khu rừng và bước ra một bãi biển với chiếc cầu tàu dài không một bóng người. Một dãy nhà khá lớn nằm ngay đầu cầu, im lìm trong nắng. Bước vào khuôn viên gọi ầm lên mới thấy một người đàn ông xuất hiện.
Đó là người bảo vệ của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo sau đại học về khoa học biển và hệ sinh thái ven biển CEMACS đặt tại Pantai Teluk Aling. Ông lấy cho con trai tôi chai nước và chỉ về cuối bãi bảo đó là đường tới biển Monkey.
Tôi tiếp tục đi bộ dọc theo bờ cát và bắt đầu thấy hoang mang khi các dấu hiệu của đường mòn mờ nhạt dần và biến mất. Đám cây rễ chằng chịt và cỏ cao lút đầu người khiến tôi có cảm giác đã hết đường.
Quay lại tìm người bảo vệ thì không thấy ông ở cổng trường nữa. Loay hoay không biết phải làm thế nào, tiến hay lùi. Nghĩ ngợi một lúc, tôi quyết định cứ chui vào giữa đám bụi rậm xem sao. May thay, có vẻ như có dấu hiệu của một lối mòn. Hành trình tưởng như khép lại đã được mở ra.
Đón chúng tôi trên con đường xuống biển Monkey là một đàn khỉ. Một gia đình người bản địa đang cho bọn khỉ ăn hoa quả và bánh kẹo. Lũ khỉ rất thích bọn trẻ con và hơi táo tợn khi chỉ chực giật kính, mũ hay túi xách. Loáng cái chúng đã ăn hết cả gói bánh và tản mát bỏ đi, hoặc leo lên cây ngồi vắt vẻo.
Monkey Beach là một bãi biển xinh xắn với một bờ cát dài, trắng mịn, sạch sẽ. Không có quá đông du khách tại đây. Có các dịch vụ cho thuê tàu di chuyển, chơi môtô nước và câu cá. Phần lớn du khách bơi lội, tắm nắng, trẻ em thì chơi xích đu và bay dây tự do. Một số quán ăn dành cho khách theo tour.
Một người phụ nữ đang nướng các loại hải sản trên bếp than củi lớn bán đồ ăn BBQ cho khách theo suất, giá rất phải chăng, chưa đến 300.000 đồng mà có một “bữa tiệc” đầy đủ các món tôm, mực, thịt gà, cá, salad rau, ngô, bánh mì và nước uống.
Dừa tươi giá 5 RM (35.000 đồng), cơm rang kiểu địa phương được cung cấp từ một lán hàng khác dưới gốc cây dừa với giá 4-6 RM. Nước ngọt dẫn về từ trên núi chảy tràn tự do, du khách tắm biển xong có thể vào tắm tráng mà không phải trả phí.
Tôi ngồi lơ đãng trên băng ghế gỗ, vừa nhẩn nha ăn trưa vừa tò mò nhìn nhóm phụ nữ người Hồi giáo mặc bộ quần áo đen tuyền, đeo mạng che mặt chỉ hở hai con mắt đang chăm sóc lũ trẻ, thậm chí tự mình chơi đu dây.
Chiếc dây thừng được mắc vào một cành cây lớn, người chơi lấy đà đẩy người văng ra thật xa độ một hai vòng rồi thả tay rơi bịch xuống bãi cát.
Chiều chầm chậm quệt qua rặng dừa, bình thản và bình yên…
Nguồn: báo Tuổi Trẻ