Trong những năm gần đây, ngành du lịch của các địa phương trong cả nước đều được chú trọng đầu tư phát triển.
Vì vậy, việc xúc tiến điểm đến, liên kết kích cầu du lịch tại các địa phương có vai trò rất quan trọng để thông qua đó, các doanh nghiệp du lịch sẽ có cơ hội tìm hiểu thông tin của nhau, có sự hợp tác, liên kết nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Là thành phố năng động của miền Trung, Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm của 3 di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Thành phố Đà Nẵng nổi tiếng với nhiều điểm đến hấp dẫn như đèo Hải Vân, khu du lịch sinh thái Bà Nà Hills, bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng và đặc biệt là biển Mỹ Khê-Đà Nẵng được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh…
Ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Ngoài những điểm đến đó, Đà Nẵng còn được biết đến bởi các sự kiện lễ hội du lịch lớn như Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, chương trình “Điểm hẹn mùa hè” vào tháng 6 hằng năm… Đà Nẵng được đánh giá là thành phố có môi trường trong lành, an ninh trật tự bảo đảm, không có người lang thang ăn xin, các chi phí về dịch vụ du lịch khá rẻ, người dân Đà Nẵng thân thiện và mến khách. Vì vậy, Đà Nẵng đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước”.
Còn với Đà Lạt–Lâm Đồng, được xem là một trong những đô thị du lịch của cả nước, với tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, cũng đã và đang là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng hấp dẫn. Du lịch Đà Lạt–Lâm Đồng nổi bật với hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với thiên nhiên như tham quan các hệ thống hồ, thác, sông, suối (thác Prenn, thác Đatanla, thác Cam Ly, hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm); tham gia các hoạt động du lịch, dã ngoại, thể thao mạo hiểm như leo núi, cắm trại, đua xe đạp địa hình, vượt thác, chơi golf… Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn được biết đến qua các lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ cúng cơm mới, lễ cúng thần suối, lễ hội văn hóa trà, Festival hoa Đà Lạt… Đà Lạt-Lâm Đồng còn được giới kiến trúc công nhận là “Đô thị di sản kiến trúc” của Việt Nam qua hệ thống các dinh thự và các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo mang dáng dấp của một châu Âu thu nhỏ.
Tại hội nghị Giao lưu xúc tiến điểm trong khuôn khổ chương trình khảo sát du lịch “Hành trình đến thành phố hoa Đà Lạt 2011” vừa qua, ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, khẳng định: “Cùng với sự quyết tâm của cả ngành du lịch, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, tổ chức nhiều chương trình sự kiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách”.
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng và Lâm Đồng thì cho rằng: Đà Nẵng có thế mạnh về biển, Lâm Đồng có thế mạnh về núi, có khí hậu mát mẻ quanh năm. Hai sản phẩm du lịch của 2 địa phương tuy khác nhau nhưng nếu kết hợp được với nhau sẽ tạo ra những nét độc đáo, riêng biệt, tạo sự hấp dẫn và mới lạ cho du khách khi trong một thời gian ngắn có thể thưởng thức được các sản phẩm du lịch biển và núi rừng ở 2 miền khí hậu khác biệt nhau. Để làm được điều này, các doanh nghiệp của các địa phương cần ngồi lại bàn bạc, chia sẻ thông tin, những khó khăn, thuận lợi để tìm ra đối tác phù hợp và có những ký kết hợp tác rõ ràng.
Như vậy, cùng với các hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp của 2 địa phương, tin rằng, trong thời gian tới, Đà Nẵng và Lâm Đồng sẽ tạo ra được nhiều tour, tuyến với nhiều điểm đến hấp dẫn, nâng tổng lượng khách du lịch trong và ngoài nước của 2 địa phương tăng lên rõ rệt qua các năm, góp phần chung vào sự phát triển du lịch của các địa phương và ngành du lịch cả nước.
Theo: Báo Đà Nẵng