Ngày 22/11, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đón nhận Quyết định xếp hạng 1 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, bảo tàng được hưởng các chế độ, chính sách đối với bảo tàng hạng 1 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng từ năm 1915, là nơi bảo quản và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Tại bảo tàng trưng bàykhoảng 500 hiện vật và được phân theo các gian tương ứng với các khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện gồm: Phòng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫn và các hành lang Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định.
Bảo tàng Chăm được Chính phủ quy hoạch vào nhóm “từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi hoạt động cấp quốc gia”. Từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài trợ nhằm nâng cấp bảo tàng.
Những năm gần đây, bảo tàng mở rộng phạm vi hoạt động, thử nghiệm các hoạt động xã hội hóa; hỗ trợ, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, các bảo tàng và nhà sưu tập tư nhân trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, trưng bày hiện vật. Các chuyên gia của Trường Viễn đông bác cổ Pháp cũng đang thực hiện dự án phiên dịch, xuất bản category về bộ sưu tập v ăn bia tại bảo tàng.
Bảo tàng là một địa điểm thăm quan của du khách khi đến Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày đón 500 lượt khách. Hiện nay, cả nước có 119 bảo tàng, trong đó chỉ có 12 bảo tàng xếp hạng 1.
Cùng ngày, tại Bảo tàng điêu khắc Chăm đã diễn ra hội thảo khoa học “Khai quật khảo cổ và phương án bảo tồn di tích Phong Lệ” (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và triển lãm 252 bức ảnh tư liệu về lễ hội Chămpa của tác giả Trương V ăn An, Giám đốc bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. Đền Phong Lệ được đánh giá là “mỏ vàng” của kiến trúc Chăm-Việt, hé mở ra nhiều bí mật về kỹ nghệ xây dựng Chăm.
Nguồn: PLXH