Cùng với những vẻ đẹp về cảnh quan, Vườn quốc gia Bái Tử Long với sự phong phú về địa hình, địa mạo và địa chất còn là một trong những vườn quốc gia có giá trị đa dạng sinh học cao cần được bảo tồn và điểm tuyệt vời cho cái chuyến du lịch sinh thái.
Mặc dù tổng diện tích vườn quốc gia không lớn, chỉ trên 15.000ha, nhưng có đủ 3 hệ sinh thái cơ bản: Rừng trên cạn, đất ngập nước và biển, với diện tích đủ lớn cho các khu, hệ động, thực vật rừng – biển sinh sôi, phát triển. Hệ sinh thái rừng với diện tích trên 6.000 ha bao gồm các quần thể động, thực vật hình thành và phát triển trên đảo đá vôi và đảo đất. Hệ sinh thái rừng trên đảo đá vôi có nhiều yếu tố đặc sắc, bao gồm nhiều loài thực vật chịu hạn với các quần thể thực vật ưu thế thuộc họ dâu tằm, các quần thể phất dụ núi đá chịu hạn, các loài tuế núi đá có khả năng phân bố trong những điều kiện sinh thái cực kỳ khắc nghiệt, ngay cả trên những vách núi dựng đứng. Các loài thực vật đặc trưng như trai lý, tuế đá vôi, lan hài vệ nữ hoa vàng, kim giao núi đá, lát hoa; và các loài động vật như khỉ vàng, tắc kè, cao cát bụng trắng. Hệ sinh thái rừng trên đảo đất, chiếm phần lớn diện tích các đảo nổi với các quần thể thực vật thuộc họ sồi dẻ, long não, vang, ba mảnh vỏ, sim, và các loài cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao như: Lim xanh, dẻ hương, kim giao núi đất, táu mật. Đặc biệt trên các đảo đất do hệ thực vật phát triển và địa hình biển đảo tạo điều kiện tối ưu cho các quần thể thú nhỏ và thú móng guốc phát triển. Vì vậy, hệ sinh thái này có một số quần thể thú với mật độ rất cao như: Lợn rừng, hoẵng, nhím, don; các loài quý hiếm gồm: Tê tê vàng, khỉ vàng, rái cá thường, rái cá lông mượt, báo lửa, tắc kè, trăn gấm, rắn hổ mang, rùa hộp ba vạch,… Đặc biệt, đây là nơi còn tồn tại một quần thể nai duy nhất trong vùng Đông Bắc Việt Nam.
Tổng số loài quý hiếm của Vườn quốc gia Bái Tử Long lên đến 102 loài, trong đó có 72 loài động vật và 30 loài thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Bên cạnh rừng, hệ sinh thái đất ngập nước với diện tích 1.000 ha gồm rừng ngập mặn, bãi triều cát, bãi triều đá và thảm cỏ biển là nguồn cung cấp thức ăn vô cùng phong phú cho nhiều loài hải sản; nơi cư trú, bãi đẻ của các loài tôm, cua, cá, sá sùng… là nơi ở và kiếm ăn của nhiều loài động vật, nhiều loài chim trong đó có chim di cư và rất nhiều loài côn trùng, đặc biệt là ong mật. Hệ sinh thái rừng ngập mặn với cảnh quan hấp dẫn, đặc sắc, đa dạng sinh học cao là nơi tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học. Rừng ngập mặn phân bố tại một số địa điểm chính như vụng Cái Quýt, vụng Lỗ Hố, vụng Soi Nhụ, vụng ổ Lợn, thung áng Cái Đé, thung áng Cái Lim. Thảm cỏ biển phân bố trên diện tích khoảng 10 ha, rải rác tại các khu vực có đáy dạng cát bùn như Chương Di, sông Mang, vụng Lỗ Hố, vụng Cái Đé, vụng Trà Thần. Hệ sinh thái bãi triều cát và bãi triều đá với dáng vẻ mộc mạc và thô ráp nhưng cũng chứa đựng rất nhiều điều phong phú. Đó là nơi sinh sống của các loài sinh vật biển mà nổi bật nhất là ngành nhuyễn thể, tạo ra cho vùng đất Vân Đồn rất nhiều sản vật đặc trưng hấp dẫn du khách. Hệ sinh thái biển có diện tích hơn 8.000 ha với đặc trưng là hệ sinh thái rạn san hô. Mặc dù san hô Bái Tử Long chỉ chiếm diện tích nhỏ, không có những rạn điển hình, mà chỉ là những rạn diềm chân đảo, song chúng vẫn giữ nguyên vai trò là một hệ sinh thái chủ đạo, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với các nguồn lợi thủy sản nói chung. Đây là nơi cư trú, đẻ trứng, ẩn náu, kiếm mồi cho rất nhiều loài hải sản. Hệ sinh thái rạn san hô còn có năng suất sinh học cao, là nguồn sản sinh ra các chất hữu cơ, cung cấp thức ăn không chỉ cho chính nó, cho các sinh vật sống trong rạn mà còn có ý nghĩa cho toàn vùng biển. Vì vậy, đây là nơi lưu trữ nguồn gen của nhiều loài hải sản. Với đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và nguồn gen có giá trị rất cao, bao gồm 1.909 loài động thực vật. Trong đó, hệ sinh thái rừng có 1.028 loài gồm các nhóm thực vật bậc cao có mạch, thú, chim, bò sát, lưỡng cư. Hệ sinh thái biển và đất ngập nước có 881 loài gồm thực vật ngập mặn, rong biển, thực vật phù du, động vật phù du, giun đốt, thân mềm, giáp xác, da gai, san hô, cá. Tổng số loài quý hiếm của Vườn quốc gia Bái Tử Long lên đến 102 loài, trong đó có 72 loài động vật và 30 loài thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Điển hình là một số loài như: Lát hoa, gội nếp, trai lý, lá khôi, bồ câu nâu, khỉ vàng, báo lửa, nai, rái cá, rùa hộp ba vạch, tắc kè, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn hổ mang, rắn hổ mang chúa… Động vật biển có cá heo trắng Trung Hoa, cá Ông Chuông, tu hài, trai ngọc, bào ngư, sá sùng và đặc biệt là 2 loài rùa biển (vích và đồi mồi).
Với những giá trị thiên nhiên trên, Vườn quốc gia Bái Tử Long thực sự là kho báu vô giá của quốc gia. Mặc dù thời gian qua công tác bảo vệ các nguồn tài nguyên trong Vườn quốc gia luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ Vườn quốc gia Bái Tử Long trong việc phát triển bền vững của rừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, còn rất nhiều khó khăn thách thức. Đồng chí Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bái Tử Long cho biết: Một số đối tượng là người địa phương thuộc các xã vùng đệm vẫn lợi dụng việc làm ăn trên các luồng lạch giao thông trong khu vực để xâm hại đến tài nguyên rừng, biển trong Vườn quốc gia. Bên cạnh đó, do địa bàn trải rộng, phức tạp, trong khi đó lực lượng bảo vệ chuyên trách lại mỏng, phương tiện giao thông vừa thiếu nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Như vậy có thể thấy để bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bái Tử Long, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các khu vực trọng điểm với lực lượng và phương tiện đủ mạnh cần có sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức trong nước, quốc tế nhằm bảo tồn những giá trị đặc sắc này ngày càng phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Quảng Ninh