Một vùng núi sặc sỡ màu cầu vồng, một dịp nghỉ mát theo kiểu đi cắm trại (camping) ở phía bắc Argentina – nơi dãy núi Anden khoe vẻ đẹp quyến rũ và hùng vĩ nhất của nó. Những đàn lạc đà, những hồ muối trắng muốt, những dải núi màu sắc sặc sỡ làm mê mẩn khách lữ hành và một chuyến tàu hỏa sẽ đưa bạn đến với chín tầng mây…
Purmamarca – ban đêm trên độ cao 2.200m bầu trời đầy sao và khá lạnh. Dưới ánh trăng vàng những bụi xương rồng hiện lên mờ ảo. Giữa nhà thờ và nghĩa trang của thị trấn Purmamarca với 2.000 dân là nơi qua đêm của những người đến đây cắm trại. Khe núi dài 150km hầu như không có cây cối thuộc tỉnh Jujuy ở phía bắc của Argentina đã trở thành di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận năm 2003.
“Cảm giác thật khác lạ khi ngủ và thức dậy ở nơi này”- đó là cảm giác của Susanne Schulze, cô gái đến từ Erfurt (CHLB Đức), khi cô một mình lang thang ở vùng đất này.
Cerro de los Siete Colores, núi bảy màu – là tên của ngọn núi mà hằng năm được hàng ngàn du khách đến đây chụp ảnh. Ai muốn chụp được những tấm ảnh phong cảnh tuyệt vời với những sắc màu sống động và hài hòa nhất thì phải dậy rất sớm.
Ở đây cấm không được leo núi, nhưng có một con đường vòng quanh nó mà trên đó mọi thứ được tạo nên bởi loại đất đá có màu gạch đỏ là màu chủ đạo, người đi dạo trên con đường này có cảm giác như đang lạc vào một cõi thần tiên. “Dãy núi như một chiếc cầu vồng, mà tất cả lại bằng cát sỏi, nhìn như những lâu đài cát mà những chú bé khổng lồ tạo nên ở các bãi biển khổng lồ“ – Susanne khoái chí thốt lên.
Purmamarca nằm trên quãng đường thuộc dãy núi Anden mà người Inka cũng đã sử dụng để nối các địa phận của họ với nhau. Những dấu ấn của người Inka trên phía bắc của Argentina này vẫn còn in đậm mỗi bước đi, mà cũng chẳng có gì khó khăn để nhận ra điều này nếu bạn chú ý đến khuôn mặt của người dân nơi đây. Ngày nay các lễ ma chay (ở nghĩa trang hướng lên núi) cũng vẫn được tổ chức theo các lễ nghi truyền thống từ hàng ngàn năm nay.
Từ Purmamarca đi lên phía bắc khoảng 3 giờ là đã sang nước Bolivia. Đi theo con đường qua cao nguyên Puna nơi mà phong cảnh khá giống trên mặt trăng, bạn sẽ thấy đã không bỏ công sức lặn lội đến đây. Tilcara và Iruya cũng như Humahuaca – thủ phủ của vùng này – cũng là những điểm đến tuyệt vời đáng để du khách dừng chân.
Qua đèo đến với sa mạc
Nếu từ Purmamarca đi về hướng tây vượt qua những đàn lạc đà, du khách sẽ bị mê hoặc bởi màu trắng của các hồ muối trước khi qua đèo Jama ở độ cao 4.200m để rồi đến với sa mạc Atacama, một trong những vùng khô cằn nhất thế giới.
Một trong những địa điểm cắm trại tốt cho những lữ khách ưa mạo hiểm là San Pedro de Atacama, dù sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm ở đây còn nhiều hơn giữa mùa hè và mùa đông. Từ đây cũng không còn bao xa nữa sẽ tới Antofagasta bên bờ Thái Bình Dương.
Để quen với khí hậu trên cao nguyên Puna theo thổ dân ở đây, người ta khuyên bạn nên nhai lá coca được nhập từ Bolivia và được bán công khai, hợp pháp tại các chợ bán rau. Ngoài ở đây ra, các tỉnh khác của Argentina việc bán và tiêu thụ lá coca là bất hợp pháp.
Một cuộc viếng thăm tỉnh kế cận Salta là không thể bỏ qua, khi mà theo tiếng thổ ngữ của người da đỏ tộc Quechua Salta có nghĩa là đẹp. Điểm xuất phát tốt nhất ở tỉnh này có lẽ là thủ phủ cùng tên với 500.000 dân với khu phố cổ và những nhà thờ, tu viện đẹp tuyệt.
Để đặt chân được lên núi San Bernardo, người ta phải leo 1.070 bậc thang hoặc dùng cáp treo, từ đây du khách được thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố Salta cũng như những cánh rừng rậm nhiệt đới xung quanh.
Ẩm thực ở Salta cũng khá phong phú, món Empanadas (một loại mằn thắn nhồi thịt hoặc cá với pho mát) ở đây có lẽ ngon nhất Argentina. Ở Salta cũng có bãi để cắm trại khá đẹp ngay cạnh một hồ bơi. Tiền thuê chỗ cắm trại cũng khá hợp lý tương tự như mọi chỗ cắm trại khác trong vùng, khoảng 1,5 euro cho một trại/người/đêm.
Đi tàu lên mây
Biển quảng cáo du lịch của Salta là “Tren a las Nubes” – “chuyến tàu lên mây“. Chuyến tàu này bắt đầu từ thủ phủ Salta, vòng vèo vượt qua các khe núi, băng qua những cánh đồng xương rồng mênh mông mà bên cạnh chúng là những sông băng khổng lồ như Nevado de Acay (5.716m) hoặc Nevado de Chañí (5.896m) ngự trị.
Điểm đến sau quãng đường 217km là cầu vượt (Viaduct) La Polvorilla trên độ cao 4.220m so với mặt nước biển. Trên đường đi đoàn tàu phải qua 29 chiếc cầu và 21 đường hầm. Giá vé của chuyến đi không rẻ chút nào – tùy vào từng mùa người ta phải trả từ 120 đến 140 USD cho chuyến đi khoảng 16 giờ. Ở đây không có các bãi cắm trại, nhưng cũng không nên tự tiện cắm trại bừa bãi.
190km về phía nam của Salta là một điểm đáng đến khác, đó là thị trấn Cafayate nổi tiếng với rượu vang trắng – tại đây có hai bãi cắm trại để qua đêm. Từ đây chỉ còn 40km nữa là đến khu phế tích của người da đỏ bộ tộc Quilmes tại tỉnh Tucuman.
(Theo dulich.chudu24.com)