Từ sau khi Vịnh Hạ Long được UNESSCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới đến nay, ngành du lich Quảng Ninh mỗi năm đã đón hàng triệu lượt du khách tìm đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú mà tạo hoá ưu ái ban cho nơi đây.
Bên cạnh việc đầu tư để phát triển ngành du lich – dịch vụ địa phương đáp ứng nhu cầu của du khách thì những vấn đề về môi trường trên Vịnh cũng đã được đặt ra từ rất sớm. Và nỗ lực vì một Vịnh Hạ Long xanh cho tới nay vẫn đang tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc.
TĂNG CƯỜNG CÁC DỰ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Đối với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long – đơn vị thực hiện các hoạt động quản lý – phát huy giá trị di sản, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đã được quan tâm đẩy mạnh. Việc quản lý – khai thác Vịnh đã dần đi vào nền nếp ổn định; công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia bảo vệ di sản được nâng cao; cảnh quan, môi trường khu di sản cơ bản được giữ gìn tốt. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thường xuyên chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm các hoạt động vi phạm, xâm hại đến giá trị cảnh quan môi trường khu di sản như: khai thác đá, chặt phá cây cối trên các đảo, núi đá; khai thác san hô; xả dầu; ăn xin, đeo bám tàu du lich bán hải sản; gây rối, tàng trữ chất nổ, khai thác thuỷ sản và xây dựng trái phép trong khu vực Vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức cũng như thay đổi nếp sống của ngư dân trên Vịnh, đơn vị đã tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long với các hộ dân sinh sống, nuôi trồng, kinh doanh hải sản tại các làng chài và các tàu thuyền vận chuyển khách du lich. Ngoài ra còn đầu tư trang thiết bị thu gom rác trên Vịnh, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Với mục tiêu vừa quản lý, vừa bảo tồn nguyên vẹn giá trị di sản Vịnh Hạ Long, gắn hoạt động du lich với hoạt động bảo vệ môi trường trên Vịnh, bên cạnh việc triển khai các hoạt động giám sát, quản lý môi trường, thời gian qua, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư bảo vệ môi trường Vịnh. Tháng 6-2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1954/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư các công trình xây dựng thuộc Dự án bảo vệ môi trường (BVMT) TP Hạ Long, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản. Theo đó, Dự án BVMT TP Hạ Long sẽ gồm 3 tiểu dự án: Mở rộng hệ thống cấp nước TP Hạ Long; xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long; xây dựng Trung tâm Quan trắc và Thông tin môi trường Vịnh Hạ Long. Dự án được triển khai sẽ cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường TP Hạ Long, thông qua việc xây dựng các hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải hiện đại, phù hợp và kiểm soát môi trường, giảm thiểu tác động đến di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Tổng mức đầu tư là 1.900 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý dự án. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn đầu triển khai, các bước khảo sát, xây dựng kế hoạch từng nhóm thuộc dự án đang được cụ thể hoá. Mới đây, ngày 15-3-2011, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Dự án Hỗ trợ kỹ thuật bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Đây là dự án được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm ngăn chặn ô nhiễm và phá huỷ tài nguyên thiên nhiên, môi trường tại khu vực Vịnh Hạ Long, hướng tới mục tiêu chung về bảo tồn môi trường, đa dạng sinh học của vịnh. Ngoài ra, dự án cũng tăng cường năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường để phát triển du lich bền vững tại khu vực Vịnh và phụ cận. Dự án này được thực hiện trong 3 năm 2011-2013.
DOANH NGHIỆP VÀO CUỘC
Một điều đáng mừng là trong thời gian qua, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đã không còn là việc làm của riêng cơ quan chức năng mà ngày càng có nhiều đóng góp từ các doanh nghiệp. Trong đó phải kể đến dự án “Vì một Hạ Long xanh” do Công ty CP Du thuyền Đông Dương cùng Trung tâm Bảo tồn, giải trí, phát triển biển thuộc Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, UBND phường Hùng Thắng và một số công ty du lich như Cánh buồm Nhiệt đới, Dấu chân… phối hợp thực hiện. Chương trình khởi động từ năm 2008 với mục đích hỗ trợ bà con ngư dân thu gom rác thải trên Vịnh, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Ngay từ khi khởi động, dự án đã có sự phối hợp với hợp tác xã làng chài và chính quyền địa phương để vận động, tuyên truyền ngư dân làng chài, đặc biệt là học sinh nhận biết về giá trị của di sản thiên nhiên thế giới, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc xử lý, thu gom rác thải, bảo vệ cảnh quan, môi trường trên Vịnh, xây dựng làng chài thành điểm du lich… Đến nay, lượng rác thu gom và đưa đi xử lý đã đạt 5-6 tạ/ngày, môi trường làng chài Vung Viêng đã sạch đẹp hơn, ý thức bảo vệ môi trường của bà con ngư dân được nâng cao rõ rệt. Nhờ có môi trường xanh – sạch – đẹp mà lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan Vung Viêng ngày một nhiều, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho cư dân làng chài trên Vịnh.
Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp đã trích nguồn kinh phí từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để tài trợ hoạt động bảo vệ môi trường ngay tại các làng chài trên Vịnh. Chỉ tính riêng các Công ty du lich lữ hành trong 2 năm qua đã hỗ trợ hàng tỉ đồng để giúp người dân ở các làng chài trên mua sắm trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ việc bảo vệ môi trường; phân phát tài liệu hướng dẫn ngư dân bảo vệ môi trường trên biển; xây dựng thư viện sách nhằm nâng cao ý thức xây dựng môi trường xanh… Ông Đoàn Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương cho biết: Đối với các doanh nghiệp như chúng tôi, bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, hàng năm, Công ty đều trích nguồn kinh phí để đầu tư, hỗ trợ hoạt động này tại các làng chài. Bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long không còn là trách nhiệm của riêng ai…
Được biết, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm, hiện nay với mỗi đoàn khách nước ngoài tới tham gia tour du lich trên Vịnh và thăm làng chài, Công ty CP Du thuyền Đông Dương đều trích nguồn thu từ hoạt động này để mua từ 3-5 phao phi hỗ trợ các làng chài thay thế các phao xốp gây ô nhiễm môi trường biển (trị giá 400.000 đồng/quả phao phi)…
Nguồn: Báo Quảng Ninh