Chùa Non núi Thần Đinh nằm ở xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Khách du lịch đến tham quan chùa Non – núi Thần Đinh theo đường Hồ Chí Minh, đến địa phận xã An Ninh, huyện Quảng Ninh có một con đường nhựa rẽ lên phía tây, đi chừng 8km sẽ đến chân núi Thần Đinh.
Nếu đi đường thuỷ theo thuyền từ sông Nhật Lệ hoặc sông Kiến Giang đến cầu Long Đại đi vào xã Trường Xuân, rồi lên bộ chừng 2km là đến khu vực núi Thần Đinh.
Từ chân núi lên đỉnh, nơi có Chùa Non du khách phải vượt qua chặng đường dốc với 1.260 bậc đá. Hai bên đường cây rừng, có nhiều cây to um tùm che gần kín mặt đường. Lên cao, không khí càng mát mẻ, tĩnh mịch và linh thiêng. Trên đỉnh núi Thần Đinh có một khu đất rộng, khá bằng phẳng với vài trăm mét vuông là nơi người xưa đã chọn để xây dựng chùa Non. Chùa Non nay chỉ còn lại một ngôi miếu nhỏ và nền móng của ngôi chùa cũ.
Trong những ngày đầu xuân Tân Mão, lượng khách đến thăm quan, vãn cảnh, thắp hương ở chùa Non – núi Thần Đinh rất đông. Trong ngày rằm tháng Giêng này chúng tôi có dịp đến thăm chùa Non – núi Thần Đinh, được tận mắt chứng kiến cảnh tấp nập, đông đúc của du khách thập phương đến khu du lịch này. Qua cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Nam, người ở địa phương này, được biết từ sáng mồng một Tết Tân Mão đã có nhiều đoàn khách các nơi về thắp hương làm lễ đầu năm. Trong các ngày Tết năm nay lượng khách đến thăm quan, vãn cảnh tăng cao so với ngày thường và tăng gấp đôi so với Tết trước. Mặc dầu chưa có thống kê đầy đủ nhưng qua số liệu sơ bộ của UBND xã Trường Xuân, trong dịp Tết này (từ ngày Mồng một đến nay) mỗi ngày có năm, bảy trăm du khách đến; đặc biệt ngày rằm tháng Giêng có đến trên 3.000 khách thăm quan chùa Non núi Thần Đinh.
Đứng trên núi Thần Đinh nhìn về phía đông là một vùng đồng bằng rộng lớn của huyện Quảng Ninh, có dòng Đại Giang chảy qua rất hữu tình. Thu hút du khách đến với chùa Non, núi Thần Đinh không chỉ là phong cảnh núi non hữu tình mà là đây còn nơi lưu truyền câu chuyện thực hư là “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”. Từ độ cao 405mét, tại chùa có thể nhìn ra cửa biển Nhật Lệ, sông Kiến Giang, sông Đại Giang như ba con rồng uốn lượn giữa hai huyện Lệ Thuỷ – Quảng Ninh tuyệt đẹp. Chùa có 3 gian, đã từ lâu bị kẻ xấu đập phá để tìm kiếm vật báu (?) nên đổ nát nay chỉ còn lại cửa vòm và bệ thờ.
Chếch về phía phải chùa Kim Phong chừng 20 mét có một ngôi miếu cổ mái lợp ngói liệt hình vảy cá, bệ thờ còn nguyên. Lên đến đây, khí hậu mát mẻ như chốn bồng lai tiên cảnh. Từ chùa đi xuống phía trước chếch về bên trái vài chục mét có hang động. Cửa động hẹp, qua khỏi cửa lòng động gần như rất tối. Bên trong động, thạch nhũ muôn màu hình thù đa dạng, có cái rủ xuống, cái trồi lên muôn hình, muôn vẻ trông rất ngoạn mục. Cũng ở trong động, có những hòn đá hình như cái ghế, cái bàn mà trên đó có hình phật, hình tiên, hình voi… Ngoài cửa động có hai hang nhỏ, cái bên tả được đặt tên là động Chuông, cái bên hữu gọi là động Trống, vì khi gió thổi vào có âm thanh phát ra như tiếng chuông, tiếng trống.
Từ hang động, bước xuống phía bên phải gần 100 bậc đá có giếng Tiên. Giếng nằm ngay bên vách đá, giếng tiên không rộng cũng không sâu nhưng nước luôn trong veo, mát ngọt. Người lên núi nghỉ ngơi ở khu vực chùa rồi kéo nhau về giếng Tiên lấy nước như xin lộc. Tôi cũng xếp hàng lấy được ca nước trong vắt và mát lạnh, uống ngụm vào người như tăng thêm sức.
Đứng trên đỉnh núi Thần Đinh nghe gió ù thổi, nghe truyền thuyết kể rằng: Thầy Ân Khả đã tu ở chùa này (chùa Kim Phong) từ năm 1694 (đời Lê Huy Tông, niên hiệu Chính Hòa, ứng với triều Khang Hy bên Trung Quốc), thầy là người đức độ tài trí, được tăng ni phật tử trong vùng yêu mến. Trước khi viên tịch, thầy cắt một ngón tay út bỏ vào tráp để lại cho chùa. Lạ thay ngón tay tươi mãi không hề bị thối rữa. Sau này thầy đầu thai vào một gia đình bên Trung Quốc và tái sinh trong hình hài vua Càn Long (1736-1796) (tương truyền vua Càn Long cũng bị thiếu mất một ngón tay út). Vua Càn Long linh cảm tiền kiếp có duyên nợ với chùa non trên núi Thần Đinh bên Đại Việt nên đã gửi một quả chuông sang tặng, chuông có khắc mấy chữ “Thần Đinh chung”. Thuyền chở chuông vào đến cửa sông Nhật Lệ thì không may bị bão tố nhấn chìm. Sau này một ngư dân quê ở huyện Bố Trạch tên là Đặng Văn Tiên, trong một lần thả lưới đã bắt được quả chuông và đem cúng vào chùa Non trên núi Thần Đinh. Không biết huyền thoại về quả chuông đồng do vua Càn Long tặng có thật hay không. Một số người cho rằng hiện nay quả chuông chùa Non trên núi Thần Đinh đang được treo ở chùa Phổ Minh (ở TP Đồng Hới). Chiếc chuông của chùa Phổ Minh hiện nay là có thật, nhưng có liên quan với truyền thuyết trên hay không thì chưa ai khẳng định.
Trong vài năm nay có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, nghiên cứu di tích chùa Non – núi Thần Đinh để lập dự án, đầu tư phát triển du lịch tâm linh, sinh thái. Vừa qua, thông qua chương trình phát triển du lịch, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (chủ yếu là tuyến đường lên núi Thần Đinh) khu vực chùa non núi Thần Đinh. Hiện tại khu vực dưới chân núi Thần Đinh đang triển khai xây dựng một ngôi chùa khá to và đẹp…
Nguồn: Báo Quảng Bình