Vừa qua, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Vườn quốc gia Pù Mát và các cơ quan chức năng đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An là một trong những khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Tại buổi lễ, bà Katherine Muller-Marin – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao Bằng chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An cho ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, bà cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với kho báu đa dạng sinh học vô cùng dồi dào của miền Tây Nghệ An với những loài động, thực vật đặc hữu cùng với một nền văn hóa bản địa đa dạng và nguyên sơ.
Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An là khu Dự trữ sinh quyển thứ 6 trong 8 khu DTSQ của Việt Nam được nhận khu DTSQ thế giới.
Vườn Quốc gia Pù Mát là một trung tâm của Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới miền Tây Nghệ An, được Tổ chức Khoa học, Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận từ tháng 9/2007. Khu DTSQ này có diện tích 1.303.285 ha (lớn nhất Đông Nam Á), được chia làm 3 vùng: vùng lõi (191.922ha), vùng đệm (503.270ha) và vùng chuyển tiếp (608.093ha) thuộc địa bàn của 9 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ và Anh Sơn.
Đây là hành lang xanh nối kết Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh và là khu vực giàu tài nguyên đa dạng sinh học vào loại bậc nhất của cả nước, với nhiều loài sinh vật quý hiếm, phần lớn các loài sinh vật mới đều được phát hiện tại đây. Đặc biệt, Khu DTSQ miền tây Nghệ An được xác định là một trong ba khu vực trong cả nước hiện đang tồn tại quần thể voi Châu Á có số lượng tốt nhất theo quy mô đàn.
Giá trị bảo tồn da dạng sinh học sinh của Khu DTSQ thể hiện ở sự có mặt của hơn 70 loài thực vật và 80 loài động vật được liệt kê trong danh sách đỏ Việt Nam. Trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm, đặc hữu như: sao la, chà vá chân nâu, mang lớn, thỏ vằn, sa mu dầu…
Khu DTSQ còn bao gồm đặc trưng văn hoá – nhân văn nổi bật của cộng đồng người Thái, Mông cùng với những giá trị bản địa sâu sắc và không thể bỏ qua giá trị. Tại đây có cội nguồn tộc người Ơ Đu có dân số ít nhất trong cộng đồng dân cư Việt Nam, là nơi sinh sống của hơn 884.000 người thuộc 7 dân tộc: Kinh, Thái, Khơ Mú, Thổ, Mông, Đan Lai, Ơ đu.
Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ của khu vực này. Đây là địa điểm quan trọng cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa và tiến hành các chương trình phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh Nghệ An.
Nguồn: Cinet