Trường Dục Thanh tọa lạc trên đường Trưng Nhị, thuộc phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết được xây dựng từ năm 1907 để hưởng ứng phong trào Duy Tân. Trường do các cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (hai người con của nhà văn, nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông) thành lập.
Mục tiêu của trường là mở mang dân trí, khơi dậy ý thức dân tộc. Khu di tích đã được hàng triệu khách du lịch đến tham quan , tìm hiểu về Hồ chủ tịch đáng kính .
Vào năm 1910 thầy giáo Nguyễn Tất Thành được cụ Trương Gia Mô giới thiệu đến Phan Thiết và dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh. Lúc bấy giờ trường có 6 thầy giáo cùng với khoảng 60 học trò; thầy Thành dạy lớp nhì, chủ yếu dạy chữ Quốc ngữ, Hán Văn. Những giờ học ngoại khóa hoặc lúc rãnh rỗi thầy Thành còn dẫn học trò của mình du lịch tìm cảnh đẹp ở biển Thương Chánh, động Làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa… Khoảng tháng 2/1911 thầy Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn tìm đường cứu nước, cứu dân. Vài năm sau đó ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn sống, không còn người phụ trách và nhiều lý do khác nữa nên trường đóng cửa vào năm 1912. Ngôi trường Dục Thanh xưa Bác dạy đã bị hư hỏng và dở bỏ từ lâu.
Sau ngày quê hương giải phóng, nguyện vọng của nhân dân muốn phục chế lại ngôi trường Dục Thanh xưa để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ nên từ năm 1978 – 1980 ngôi trường được dựng lại theo những ký ức, kỷ niệm của các cụ từng là học trò của thầy Thành năm xưa. Nhà Ngư được xây dựng năm 1906. Từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của học sinh cũng được khôi phục lại. Ngọa Du Sào là ngôi nhà được xây dựng năm 1880 của cụ Nguyễn Thông. Vào những năm cuối đời cụ Nguyễn Thông ở lại căn nhà này và luôn luận bàn công việc với các sĩ phu yêu nước. Lúc dạy tại trường Dục Thanh thầy Thành thường đọc sách, soạn bài ở Ngọa Du Sào, ngôi nhà này cũng được tu bổ lại. Giếng nước, cây khế gắn bó với bao kỷ niệm của thầy Thành cũng được gìn giữ, chăm sóc.
Bên cạnh di tích lịch sử Trường Dục Thanh, nhà trưng bày về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ cũng được xây dựng bên dòng sông Cà Ty và khánh thành vào năm 1986. Trải qua 31 năm hoạt động, khu di tích trường Dục Thanh đã đón hàng chục triệu lượt người đến tham quan, du lịch, tìm hiểu về Bác Hồ kính yêu trong thời gian dạy học ở Phan Thiết. Và qua di tích ngôi trường dục Thanh xưa đã phần nào giáo dục truyền thống yêu nước cho bao thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn: báo Bình Thuận