Tam giác mạch – vẻ đẹp mỏng manh giữa núi rừng đại ngàn
Tam giác mạch, hay còn có tên khác là Mạch Ba Góc hay Kiều Mạch, là loại thân cỏ được bà con vùng cao các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng gieo trồng nhiều trên các vách núi và thung lũng. Là cây truyền thống của bà con vùng cao được trồng giữa hai vụ ngô – rau cải để bổ sung thêm lương thực dự trữ, dùng làm bánh, nấu rượu. Ngày nay chủ yếu tam giác mạch được dùng để chăn nuôi gia súc, ngoài ra còn dùng làm vị thuốc trong đông y.
Tam giác mạch nở rực rỡ trên những phiến đá tai mèo
Tam giác mạch – loài hoa có cái tên kỳ lạ gắn với một sự tích cũng lạ kỳ không kém. Truyền thuyết kể rằng, những bông hoa nhỏ bé với những chiếc lá xanh non đã giúp cứu đói cho cả dân làng khi vụ mới chưa tới, cơn lũ vừa qua. Dân làng kháo nhau hạt tam giác mạch do các nàng Tiên cho nảy từ mày lúa, mày ngô, nên được gọi là mạch; hạt có hình tam giác nên cái tên “tam giác mạch” ra đời.
Ruộng bậc thang tam giác mạch phơn phớt hồng quyến rũ
Cứ mỗi độ chớm đông, các tay nhiếp ảnh gia, các bạn trẻ mê “phượt” lại bắt đầu hành trình du lịch tìm đến với vẻ đẹp của tam giác mạch.
Thông thường, hoa tam giác mạch sẽ nở rộ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, và có vòng đời khoảng một tháng. Mới ban đầu hoa có màu trắng hoang dại, sau chuyển dần sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm quyến rũ.
(Ảnh: Khám phá)
Chị em say đắm trồng tam giác mạch tại gia
Vẻ đẹp mỏng manh như sương khói giữa núi rừng của tam giác mạch đã làm say lòng bao người yêu hoa. Những người đã có điều kiện đến nơi đây và cả những người chưa đến mà đã trót yêu cái sức sống hoang dại của loài hoa núi rừng này thì đều muốn lưu giữ cho mình chút kỉ niệm. Những năm trở lại đây, cứ mỗi độ đông về, tam giác mạch đang trở thành giống cây được nhiều chị em lùng sục, tìm kiếm và chia sẻ cách trồng tại gia để đem chút phong vị rẻo cao cho ngôi nhà thêm xinh.
Chị em rất háo hức chia sẻ hạt và bí quyết trồng tam giác mạch cho nhau
Hạt tam giác mạch được bán nhiều ở các chợ, các HTX nông sản ở Hà Giang
Vốn là loài hoa sinh trưởng ở điều kiện vùng núi khắc nghiệt nên tam giác mạch không hề khó trồng. Thời điểm tốt nhất để trồng kiều mạch là vào độ tháng Tám. Ở thời điểm này, các yếu tố về độ ẩm, ánh sáng sẽ thuận lời nhất để cây phát triển và ra hoa trông độ từ 4-8 tuần.
Ở mỗi vùng thì bà con lại áp dụng các cách khác nhau để ươm mầm kiều mạch. Có nơi thì gieo hạt sâu 2.5cm dưới đất, ngay hàng thẳng lối; có vùng thì bà con chỉ cần vương hạt đất ẩm là cây tự nảy mầm.
Khi được mang trở về miền xuôi, chị em lại rỉ tai nhau các cách để cây phát triển nhanh trong điều kiện mới. Chị Đỗ Lan (Hà Nội) chia sẻ bí quyết của mình là ngâm hạt vào nước ấm qua đêm rồi mới đem trồng vào cát đen ẩm, tưới nước vo gạo hàng ngày. Chỉ trong vào hơn 1 tháng, cây đã phát triển nhanh chóng và bắt đầu nhú hoa.
Ban đầu chị Lan để ở nơi râm mát khiến cây khá yếu và phải dùng cọc chống đỡ cho cây
Tam giác mạch phát triển cứng cáp nhanh chóng khi được nhận đủ ánh sáng
Hoa tam giác mạch trắng muốt, e ấp giữa chốn đô thị phồng hoa
Chị em “mát tay” thành công gieo trồng những cánh hoa mỏng manh của núi rừng ngay giữa lòng thành phố
(Ảnh: Facebook Do Lan)