Triển lãm ảnh “Hồ Chí Minh ở Pháp – Hành trình 100 năm,” do Hội người Việt Nam (UGVF) tổ chức, vừa khai mạc tại trụ sở Hội phố Petit Musc, trung tâm thủ đô Paris, Pháp.
Triển lãm trưng bày gần 200 bức ảnh tư liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp cung cấp và một số tài liệu do Hội người Việt Nam ở Pháp mới sưu tầm được. Những bức ảnh về Bác được ghi lại như một bộ phim tư liệu lịch sử.
Triển lãm “Hồ Chí Minh ở Pháp” làm sống lại những thập kỷ hoạt động cách mạng đầy chông gai, gian khổ của Bác như khoảng khắc người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Văn Ba) rời cảng Sài Gòn làm công trên tàu Amiral Latouche Tréville, trên hành trình đi tìm đường cứu nước và đặt nền móng cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc Việt-Pháp.
Đây là dịp để các nhà nghiên cứu Việt Nam, người Việt tại Pháp, bạn bè quốc tế hiểu thêm về Hồ Chí Minh như Nghị quyết 18.65 của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 nêu rõ “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.”
Phát biểu tại buổi lễ, Đại Sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng nêu bật ý nghĩa của sự kiện này. Sự kiện tiếp nối hàng loạt các hoạt động đã được tổ chức trong khuôn khổ kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đặt chân đến Pháp (1911-2011) và 65 năm ngày Bác đến thăm Pháp với tư cách là nguyên thủ Quốc gia (1946-2011).
Đồng thời, Đại sứ nhấn mạnh rằng, Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ Việt-Pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ trở thành mối quan hệ hợp tác chiến lược trong thế kỷ 21.
Về phần mình, bà Thérèse Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch UGVF nhắc lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập “Nhóm người An Nam yêu nước tại Pháp” – tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay và bày tỏ tình cảm tôn kính của cộng đồng người Việt tại Pháp đối với Bác.
Bà xúc động nhắc tới những lời căn dặn của Bác đối với Việt kiều khi Người đến Pháp mùa Hè năm 1946 với cách là nguyên thủ Quốc gia, đó là phải đoàn kết, tăng cương tuyên truyền và ủng hộ Tổ quốc bằng mọi cách, mỗi người cần phải trau dồi một nghề để sau này góp phần phục vụ và xây dựng một nước Việt Nam mới.
Nguồn: Vietnam+