Nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) được bao bọc bởi những ngọn núi Pó, núi Trâu, núi Tiên, sớm tối mây phủ trắng như trong xứ thần tiên huyền ảo.Rất thu hút khách du lịch đến khám phá.
Cái tên Lũng Vân hẳn còn xa lạ với nhiều người. Một phần bởi nó nằm sâu bên trục đường Hòa Bình – Mộc Châu, cánh dân “phượt” thường ít để ý. Đường tới Lũng Vân lại vô cùng hiểm trở với những đèo dốc liên tiếp dài 13km là thử thách trêu gan những người không ưa mạo hiểm. Bởi thế, cũng dễ hiểu khi ít người biết về Lũng Vân – thung lũng mây, còn được mệnh danh là nóc nhà của xứ Mường Bi.
Đó cũng là lý do để chúng tôi vác balô, bắt đầu hành trình chinh phục và khám phá nơi này dịp cuối tuần.
Khởi hành từ Hà Nội lúc 15g, 6 người chúng tôi với 3 xe máy nối đuôi nhau theo quốc lộ 6 đi Hòa Bình. Gần 3 giờ chạy xe, nhóm đặt chân đến địa phận Mường Khến, Tân Lạc. Tấm bảng chỉ dẫn đi Lũng Vân nằm bên rìa trái ngã ba đường.
Trời ngả về chiều, hoàng hôn ửng hồng đổ xuống những dãy núi cao. Ba chiếc xe liên tục vít ga qua những con dốc thẳng đứng, quanh co theo sườn núi. Chốc chốc, đi được một đoạn, cả bọn lại dừng xe chụp ảnh, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang cùng nếp nhà sàn nhỏ xinh chìm trong màn sương chiều và núi rừng.
Gần 19g thì đặt chân đến xóm Bách. May mắn được trưởng văn hóa xã Hà Văn Tuấn chào đón với ấm trà từ lá cây rừng, một đặc sản của người Mường. Trong căn nhà sàn rộng, ánh điện tù mù, ông Tuấn lần lượt hỏi thăm và hồ hởi kể cho chúng tôi nghe đủ chuyện về Lũng Vân.
Chuyện thời tiết quanh năm không cần dùng quạt mà cứ 23g phải đem chăn bông ra đắp, chuyện về phiên chợ Lũng Vân chỉ họp vào thứ 3 hằng tuần, chuyện điện về xã cách đây 4-5 năm… Cuộc chuyện trò cứ nối tiếp và chỉ kết thúc khi màn đêm đã ken đặc và ai nấy đều cảm thấy lạnh buốt.
Sáng sớm hôm sau, được sự chỉ dẫn của trưởng văn hóa xã, chúng tôi bước vào hành trình mới: khám phá Bắc Sơn, nơi cao nhất ở thung lũng Tân Lạc vẫn còn nguyên sơ, địa hình hiểm trở. Quả thật, đường đến Bắc Sơn chỉ 7km nhưng có những khúc cua tay áo rợn người, dốc cao hun hút.2km đường cuối cùng còn chưa được rải nhựa, lởm chởm đá tai mèo cùng đất cát.
Ấn tượng nhất ở đây là những thửa ruộng bậc thang đẹp không kém Sa Pa. Đứng trên con dốc cao còn thấy những áng mây trắng bồng bềnh trên những ngọn núi mà cứ ngỡ chỉ với thêm một sải tay sẽ chạm tới trời. Dừng chân ở bản cuối cùng của Bắc Sơn, chúng tôi còn bắt gặp những phụ nữ Mường đang gùi củi theo một hàng dài.
Trên lưng và đôi má còn ướt đẫm mồ hôi, các chị nở nụ cười tươi rói, nhiệt tình kể cho chúng tôi nghe cuộc sống khó khăn ở Bắc Sơn, chuyện gùi củi, gùi bắp nặng 20-50kg vẫn băng băng trên quãng đường rừng dài hàng chục kilômet, chuyện đi từ Bắc Sơn có thể sang đất Thanh Hóa, Mai Châu…
Thỉnh thoảng, lũ trẻ con trong xóm lại xúm xít vây quanh, lạ lẫm nhìn và tạo dáng trước ống kính máy ảnh…
Buổi chiều ở Lũng Vân,cả nhóm tìm đến hai “địa chỉ văn hóa” được người dân mách bảo. Đó là thầy mo Bùi Văn Kình, 89 tuổi và Bùi Văn Tâm, 86 tuổi – hai người có công giữ “hồn” xứ Mường. Các cụ tuổi đều đã cao nhưng tinh thần còn mẫn tiệp, say sưa kể về những nghi lễ, vật dụng cúng mo Mường.
Nhờ câu chuyện của hai cụ mà mọi người có dịp hiểu thêm về tục cúng tang ma độc đáo của người Mường, càng trân trọng hơn những giá trị văn hóa trong pho sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”… Và một điều bất ngờ nhất mà tôi được biết là cụ Kình từng rời thung lũng mây ngàn tham gia đoàn binh Tây Tiến trong bài thơ cùng tên của Quang Dũng.
Lũng Vân một sáng đẹp trời với gió mát và nắng nhẹ, để mặc cho xe tự bon bon xuống chân núi, cả bọn vẫn thổn thức khi chưa một lần “mắt thấy tai nghe” thung lũng mây như tên gọi. Chỉ đến khi xe đi được nửa quãng đường, từ dốc Mùn bỗng thấy rõ một thung lũng huyền ảo với những áng mây trắng chờn vờn trên khắp các đỉnh núi, bản làng…
Trong khoảnh khắc ấy, những hoài nghi về tên gọi thung lũng mây ngàn mới thật sự xua tan…
TIẾN THÀNH