Tiết trời lạnh giá, mây mù bao phủ, đường dốc quanh co nhưng không làm nản lòng khách du lịch đến với Tả Phìn mỗi độ Xuân về. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này một bức tranh hài hòa với những cánh rừng bạt ngàn hòa quyện bản sắc đặc trưng của 2 dân tộc Mông, Dao chung sống.
Tách mình khỏi khói bụi, sự ồn ào và náo nhiệt của thành phố Lào Cai, theo hướng Quốc lộ 4D, chúng tôi đến với Sa Pa. Điểm dừng chân đầu tiên là bản làng Tả Phìn yên bình với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, núi non ôm trọn, tô điểm bằng những sắc màu thổ cẩm rực rỡ của đồng bào Dao, Mông bản địa cùng khách du lịch thập phương đến khám phá nơi đây.
Là một trong những tuyến du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn của huyện Sa Pa, Tả Phìn đã trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch khi tham quan Lào Cai. Tiết trời cuối đông, con đường vào thôn Sẻ Séng (trung tâm du lịch cộng đồng của Tả Phìn) bảng lảng những tảng mây mù bao phủ, lúc ẩn lúc hiện. Xa xa thấp thoáng tầng tầng, lớp lớp dãy núi xanh trong mây, trong sương và những bản làng của người Mông cheo leo trên sườn núi cao.
Theo lời giới thiệu của chị Tẩn Tả Mẩy, dân tộc Dao, chúng tôi cùng đoàn khách du lịch đến từ đất nước Úc bắt đầu hành trình chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây. Là người bản địa hướng dẫn du khách lâu năm, Mẩy giới thiệu cảnh quan bản làng thật ấn tượng không kém hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Tiếng Việt, tiếng Anh rồi đôi lúc pha trộn tiếng Dao được sử dụng khá trôi chảy. Vừa đi, Mẩy vừa giới thiệu về tu viện xây dựng dở dang từ năm 1942 – 1944, rồi miếu thờ người có công khai khẩn lập nên khu Tả Phìn; về nghi lễ ăn thề vào mùa xuân; về làng nghề thổ cẩm với kỹ thuật dệt truyền thống của dân tộc Mông, Dao, bên cạnh việc sản xuất ra mặt hàng thổ cẩm đẹp và nổi tiếng, tạo sự cuốn hút, chú ý tìm hiểu của du khách thập phương.
Mẩy cũng không quên đưa khách tham quan hang động Tả Phìn, khi đi sâu vào trong lòng núi, đường quanh co, gập ghềnh, khách du lịch được tha hồ chiêm ngưỡng những nhũ đá hình thù kỳ thú như: Hình tiên múa, tiên tắm, tiên ngồi, thiếu phụ bồng con, mâm xôi khổng lồ với những mảng nham thạch xù xì phớt trắng, tựa như những mảnh san hô. Nhũ đá còn buông xuống như những dãy cột trắng mịn, đan thành “đăng ten” uốn lượn, nhấp nhô, long lanh màu ngọc bích. Những giọt nước nơi chóp nhũ đá thánh thót nhỏ giọt như điểm từng nhịp thở trong không gian mờ ảo… Các bạn đến từ đất nước Úc trầm trồ trước vẻ đẹp huyền bí, lãng mạn này, bà Kat Fortnum chia sẻ: Nơi đây thật ấn tượng, hấp dẫn từ cảnh đẹp thiên tạo đến con người thân thiện, tôi rất yêu đất nước các bạn và sẽ có dịp quay lại đây.
Rời hang động Tả Phìn, chúng tôi ngồi bên bếp lửa cùng đồng bào Dao thôn Sả Séng (xã Tả Phìn) để xem các chị thêu những bộ quần áo mới đón Xuân Quý Tỵ. Những câu chuyện người dân Tả Phìn làm du lịch cộng đồng càng thêm sự chú ý của khách du lịch. Là thành viên trong nhóm, Tẩn Tả Mẩy cho biết: Trước đây người Dao, Mông ở Tả Phìn làm lúa nương, trồng ngô và thêu thổ cẩm nổi tiếng. Sản phẩm thổ cẩm nơi đây đã được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng và nhiều người đã biết đến Tả Phìn là một địa danh du lịch cộng đồng tiêu biểu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đồng bào Dao, Mông cả năm chỉ dành cho sản xuất nông nghiệp từ tháng 2 – 9 âm lịch, còn lại đi làm du lịch như chỉ dẫn khách du lịch, bán hàng hay thêu trang phục thổ cẩm. Toàn xã có 6 thôn thì hai thôn Sẻ Séng và Lủ Khấu có 9 hộ kinh doanh nhà nghỉ trọ…
Theo lời kể của chị Mẩy, chúng tôi vượt qua cầu treo, men theo sườn núi, vượt vài quả đồi đến gia đình chị Lý Tả Mây Lan. Ngôi nhà sàn được dựng trên đỉnh núi mà khách du lịch, nhất là khách đến từ các nước châu Á, châu Âu vẫn nghỉ qua đêm tại đây. Theo Mây Lan, sự mến khách cùng nét độc đáo trong văn hóa truyền thống, sinh hoạt của đồng bào Mông, Dao Tả Phìn đã cuốn hút du khách lưu trú. Nhà Mây Lan có 10 giường dành cho khách nghỉ trọ, giá nghỉ chỉ từ 50.000 – 70.000 đồng/khách, song dịch vụ không thua kém nhà nghỉ, giá tắm lá thuốc thư giãn của đồng bào Dao chỉ với 100.000 đồng/người.
Vào mùa đông, Tả Phìn chủ yếu đón khách nước ngoài, vốn có kinh nghiệm làm du lịch lâu năm, lại thông thạo tiếng Anh, nên Mây Lan có kỹ năng giao tiếp rất tốt, có thời kỳ cao điểm, cơ sở nhà chị Mây Lan đón tới 20 khách nghỉ trọ. Người nước ngoài ưa loại hình du lịch cộng đồng, đến đây họ được thăm những bản làng, cùng trải nghiệm sống và sinh hoạt với người dân. Và đặc biệt, họ được chiêm ngưỡng bản sắc truyền thống cũng như cảnh đẹp thiên nhiên huyền ảo, yên bình với không khí trong lành mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng núi cao Tả Phìn.
Sự hùng vĩ của đại ngàn, sự linh thiêng của núi, sự bao la rộng lớn của đất trời, tất cả tạo nên một Tả Phìn huyền ảo, nơi được xác định là một trong những điểm du lịch cộng đồng của Sa Pa, đang được chú trọng đầu tư, hứa hẹn mang lại cho khách tham quan nhiều điều mới lạ.
Ra về trong tiếng gió reo của đại ngàn, lòng tôi thầm cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng cho Lào Cai một địa danh hùng vĩ với cảnh đẹp thiên tạo mê hồn, hòa với sắc màu truyền thống dân tộc. Những ngày đầu xuân, đồng bào nơi đây lại bận rộn cho một mùa đón khách du lịch./.
Theo: Du lịch Việt Nam