Ngày 27/3, tại Hà Nội, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội nghị khoa học “Tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học và du lịch tại các di tích Nho học Việt Nam“.
Với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp quản lý các di tích Nho học trên cả nước, Hội nghị tập trung làm sáng tỏ vai trò của Nho giáo và sự ảnh hưởng của Nho giáo đối với xã hội ngày nay. Đặc biệt, các tham luận của các đại biểu tập trung phân tích, từ đó đưa ra các kiến nghị và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, di sản tư liệu ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói chung, 82 bia Tiến sĩ nói riêng không những khẳng định giá trị của di tích, mà còn là nguồn sử liệu quan trọng, là dấu ấn về sự tồn tại, phát triển của nền văn hóa, giáo dục Việt Nam. Khối di sản này nếu được nghiên cứu, phân tích sâu hơn sẽ làm rõ quá trình hình thành, phát triển của nền giáo dục Việt Nam, tư tưởng trị quốc lấy hiền tài làm gốc; đồng thời là nguồn dữ liệu quan trọng để nghiên cứu về chế độ quan chức, phẩm cấp của các danh nhân khoa bảng, các triều đại trong lịch sử…
Theo các nhà nghiên cứu, tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, du lịch tại các di tích Nho học là giải pháp tốt để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống động, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích./.
Theo: Du lịch Việt Nam