Tối 2/4, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức trang trọng lễ tế Xã Tắc tại Đàn Xã Tắc, thành phố Huế. Đây là một nghi lễ truyền thống quan trọng ở nước ta, nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình.
Lễ tế gồm có hai phần: phần đầu mang tính tâm linh thuần túy, phần sau tái hiện nghi lễ truyền thống (có tính chất trình diễn) và dành cho mọi người dâng hương.
Không gian nghi lễ được hình thành tại Đàn tế Xã Tắc (phường Thuận Hòa, thành phố Huế) theo đúng các nghi thức truyền thống, với nghi trượng, cờ xí, tượng trưng cho sự hội tụ của các thành tố trong vũ trụ như mặt trăng, mặt trời, phong, vân, lôi, vũ, long, phụng, nhật, nguyệt…các chòm sao Chu tước, huyền vũ, thanh long, bạch hổ… và các lễ tiết trang trọng khác trong chốn hoàng cung xưa.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Lễ tế Xã Tắc lần này là sự kế thừa kinh nghiệm từ lễ tế Xã Tắc đã được tổ chức thành công trong Festival Huế 2008, 2009, 2010, 2011 và 2012; tiếp tục tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam, giới thiệu không gian diễn xướng của những loại hình Đại nhạc, nhã nhạc, múa cung đình, trình diễn vẻ đẹp của văn hoá nghi lễ và trang phục truyền thống cung đình Huế xưa.
Lễ tế Xã Tắc góp phần làm phong phú các hoạt động văn hóa lễ hội của Huế, góp phần tích cực vào việc xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Qui mô tổ chức phù hợp với khả năng và điều kiện thực hiện, nhưng vẫn giữ được những yếu tố chuẩn mực, có tính biểu trưng; đồng thời đảm bảo an toàn, tiết kiệm, tránh lãng phí, khoa trương một cách không phù hợp.
Đàn Xã Tắc là một công trình đặc biệt quan trọng của Kinh đô Huế, được xây dựng vào năm 1806 sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Khi xây dựng, vị vua đầu triều nhà Nguyễn đã lệnh cho các thành, dinh, trấn toàn quốc phải đóng góp đất sạch về để đắp lên ngôi đàn này, vì thế mà nó mang một ý nghĩa đặc biệt linh thiêng. Đàn Xã Tắc là nơi nhà vua cúng tế Xã (thần Đất) và Tắc (thần Lúa).
Người xưa quan niệm, Xã là thần lớn nhất trong năm vị thần, Tắc là loại quí nhất trong ngũ cốc. Tắc mà không có Xã sẽ không sinh trưởng được. Xã mà không có Tắc sẽ hoang vu. Do vậy, hiệp tế Xã-Tắc là công lợi ngang nhau. Lễ tế Xã Tắc vì thế, từ thời Nguyễn luôn được xếp vào hàng Đại tự (chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao).
Hiện, trong khu vực I, khu vực cần bảo vệ nguyên trạng của Đàn Xã Tắc có nhiều hộ dân sinh sống, mức độ hư hại của di tích là 90%. Việc trùng tu di tích Đàn Xã Tắc tại Huế đang được tiến hành, sau kết quả khai quật khảo cổ học năm 2008, làm cơ sở cho trùng tu phần đàn thượng và một phần tầng hạ (tầng 2), nay đang tiếp tục hoàn thiện, theo một lộ trình kéo dài từ nhiều năm nay./.
Theo: Du lịch Việt Nam