Đến Tây Thiên vào một ngày cuối năm, khi mùa xuân đã tràn về khắp nẻo, ánh nắng vàng xuân càng tô thêm vẻ đẹp tươi sáng của vùng đất được cho là chốn tổ của Phật Giáo Việt Nam. Ngàn mây che phủ những đỉnh núi cao xanh rờn của cỏ hoa mùa xuân đem lại cho vùng đất linh thiêng vẻ đẹp hữu tình quyến rũ khách du lịch.
Cách Hà Nội khoảng 65 km, khu danh thắng Tây Thiên( huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp, đã được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” từ năm 1991. Với phong cảnh hữu tình, thiên nhiên Tây Thiên góp phần vào việc kiến tạo nên vẻ đẹp của các đình, chùa, tạo thành Quần thể di tích danh thắng Tây Thiên độc đáo. Ở lối vào đền Thỏng dưới chân núi, một phần rễ của cây đa chín cội vẫn đứng sừng sững thách thức với thời gian và trở thành “vị thần gác cửa” uy nghiêm cho ngôi đền. Đền Cậu được xây dựng ngay trong lòng núi, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Thác Bạc đổ xuống trắng xoá như rót bạc, rồi đầm Sen, ao Dứa, núi Rùng Rình đều là những nét riêng chỉ có ở nơi đây. Sườn núi có chùa Tây Thiên trúc xanh, thông biếc, trên đỉnh núi có chùa Đồng cổ. Từ phía tả khe Giải Oan lên núi đến Hồ Sen, có nhiều hòn đá với hình dáng kỳ lạ và sen đỏ hoa nở bốn mùa. Suối từ Chùa Đá toả ra một bên là suối Bạc, một bên là suối Vàng, bao quanh ngôi Chùa Đá có tường và nóc bằng đá, trần có khắc chữ Chùa Địa Ngục (Địa Ngục Từ). Suối Bạc và suối Vàng hợp nhau ở Hồ Sen rồi quanh co chảy suống hợp với khe Giải Oan.
Tất cả đã tạo nên một khu di tích, danh lam thắng cảnh Tây Thiên không chỉ có giá trị văn hóa, tâm linh sâu sắc mà còn là một chốn bồng lai với cảnh quan sơn thủy hữu tình hấp dẫn du khách và Phật tử thập phương. Nét độc đáo của văn hóa tín ngưỡng tại Tây Thiên là sự giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu, vì vậy, mảnh đất này trở thành nơi du khách thỏa ước nguyện “Đến với Phật, về với Mẫu” để tìm lại sự tĩnh tại trong tâm hồn.
Theo nhiều tư liệu nghiên cứu, Tây Thiên được coi là chốn tổ Phật giáo Việt Nam. Vào khoảng 2300 năm trước Công nguyên, nơi đây đã có chùa “Tây Thiên cổ tự”. Trải qua các triều đại phong kiến cường thịnh như Lý, Trần, Lê, Tây Thiên đã trở thành một trung tâm Phật giáo của cả nước. Ngày nay, Tây Thiên còn lưu giữ được 3 ngôi mộ cổ ghi danh hiệu các thiền sư: Giác Linh Ngã Thiền Sư, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền sư. Ngoài ra còn nhiều nền chùa cổ và các di chỉ hiếm hoi dưới nền đất rừng Tây Thiên được ghi lại trong sách Kiến Văn Tỉ Lục của Lê Quý Đôn.
Trung tâm văn hóa – lễ hội Tây Thiên, xây dựng theo chủ đề văn hóa tâm linh “Đến với Phật, về với Mẫu”, đang nhận được sự đầu tư và hỗ trợ của chính quyền địa phương nhằm khôi phục, giữ gìn và bảo tồn khu di tích lịch sử và giàu nét văn hóa tín ngưỡng này.
Lại một mùa Xuân đã về trên đất nước,cũng là thời điểm cả miền Bắc rộn ràng chuẩn bị cho mùa Lễ hội lớn nhất trong năm. Là điểm đến lớn thứ 3 tại miền Bắc sau chùa Hương, Yên Tử, Tây Thiên đang hàng năm đón hàng triệu du khách, Phật tử khắp nơi về với Phật, với Mẫu. Ban quản lý lễ hội Tây Thiên cho biết đang gấp rút chuẩn bị cho mùa lễ hội chính thức khai hội vào 15 tháng 2 âm lịch. Điểm mới nhất trong dich vụ của Lễ hội Tây Thiên năm nay đó là chính thức đưa hệ thống cáp treo thuộc Công ty Cổ phần Lạc Hồng – Tây Thiên sẽ chính thức đi vào hoạt động phục vụ du khách vào cuối tháng 2/2012. Đây là một tin vui đối với các Phật tử bởi con đường lên đền Mẫu vốn rất khó đi , kể cả đối với người dân địa phương.
Lễ hội Tây Thiên được tổ chức ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, Hoàng Phi của vua Hùng thứ bảy, đồng thời là người đã có công giúp vua dẹp giặc, dạy dân trồng lúa và giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc.
THD (Nguồn: HNM)