Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là cầu nối hai miền Nam – Bắc với Lào, Thái Lan và các nước ASEAN, Hà Tĩnh nằm giữa trung tâm của nhiều mối liên kết giao thông trên hành lang kinh tế Đông – Tây.
Thiên nhiên Hà Tĩnh hùng vĩ và thơ mộng với nhiều bãi tắm đẹp như Thiên Cầm, Xuân Thành, Lộc Hà, Kỳ Ninh…; sông núi hữu tình tạo nên nhiều danh thắng như Núi Hồng – Sông La, Thác Vũ Môn, Đèo Ngang – Hoành Sơn Quan…; những khu nghỉ dưỡng sinh thái lý tưởng như hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vụ Quang, Suối nước khoáng Sơn Kim…
Cùng với sự đa dạng về tiềm năng tự nhiên, Hà Tĩnh còn có nguồn tài nguyên nhân văn giàu có. Là đất “giang sơn tụ khí” không chỉ theo nghĩa địa lý phong thổ, mà còn xét cả về trầm tích văn hoá, Hà Tĩnh thời nào cũng có những anh hùng, chí sĩ, danh nhân văn hoá.
Là tỉnh có quy mô trung bình về diện tích và dân số, kinh tế còn chậm phát triển, nhưng về “gia sản văn hoá” mà cha ông để lại thì Hà Tĩnh được xếp trong tốp 15 tỉnh dẫn đầu cả nước. Tính đến nay, Hà Tĩnh có trên 500 di tích, trong đó 72 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 260 di tích cấp tỉnh, với các loại hình: di tích danh thắng, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử – văn hóa, di tích lịch sử – cách mạng…
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, như Ca trù Cổ Đạm, sắc bùa Kỳ Anh, ví phường vải Trường Lưu, ví đò đưa Sông La, hát giặm Thạch Hà, trò Kiều Tiên Điền, hò chèo cạn Nhượng Bạn…; các lễ hội truyền thống ở chùa Hương, đền Lê Khôi, đền Bích Châu…; những làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển đã hàng trăm năm…
Những năm gần đây, ngành du lịch Hà Tĩnh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Khách du lịch, doanh thu, thu ngân sách tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 cơ sở lưu trú, với trên 2.300 phòng. Tuy nhiên, những con số trên còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của Hà Tĩnh.
Vì vậy, cần xác định mục tiêu tổng quát là phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để Hà Tĩnh sớm trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Về thị trường khách, chú trọng khai thác thị trường nội địa, đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch của nhân dân trong tỉnh; khai thác hiệu quả hơn khách từ thị trường châu Á, châu Âu, nhất là khách từ Lào, Thái Lan và các nước ASEAN.
Về đầu tư phát triển du lịch, kết hợp nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước với khai thác nguồn vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; huy động tiềm lực trong nhân dân theo phương châm xã hội hoá. Những năm tới, tập trung đầu tư các khu du lịch trọng điểm, như Khu nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Cầm, Khu sinh thái biển Xuân Thành, Khu sinh thái nước sốt Sơn Kim, Khu văn hóa – du lịch Nguyễn Du, Chùa Hương, Đền Củi, Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ…; huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng; dành vốn đầu tư hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững.
Phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống, như kẹo cu đơ, mộc Thái Yên, nước mắm Cẩm Nhượng…; các vùng chuyên canh bưởi Phúc Trạch, cam bù; đầu tư khôi phục và phát triển ca trù Cổ Đạm, ví Phường Vải… để tạo tour du lịch làng nghề và sản phẩm hàng hoá, văn hoá phục vụ du khách.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch.
Về phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thu hút lực lượng sinh viên chuyên ngành; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ tại các khách sạn, nhà nghỉ và đội ngũ hướng dẫn viên…
Trước mắt, phải tập trung xây dựng Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 2010 – 2020 trên một tầm nhìn chiến lược mới; đồng thời triển khai nhanh quy hoạch chi tiết những khu, điểm du lịch trọng tâm đã được xác định rõ; bảo vệ tốt các quy hoạch đã được phê duyệt làm tiền đề khai thác phát triển bền vững.
(*) Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh
Nguồn: Báo Đầu Tư