3 địa phương trong vùng “tam giác di sản” gồm Quảng Nam, Đà Nẵng và TT-Huế vừa có cuộc gặp gỡ, trao đổi và có những cam kết cụ thể để cùng tìm kiếm, tạo cơ hội quảng bá du lịch lẫn nhau.
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết từ năm 2006 đến nay, chính quyền của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là 3 địa phương trên trục “tam giác di sản” đã nhiều lần tọa đàm, trao đổi, bàn việc liên kết quảng bá cho thương hiệu chung của du lịch miền Trung. Các hoạt động liên kết du lịch giữa 3 địa phương đã được thực hiện đa dạng, hiệu quả, chủ động phối hợp nhịp nhàng và chuyên nghiệp hơn các năm trước. Đồng thời, các địa phương đã vươn tới những thị trường trọng điểm như Nga và Trung Quốc, triển khai được nhiều nội dung cam kết so với năm 2012. Kết quả này đạt được từ sự đồng thuận về nhận thức, quyết tâm cao của các địa phương và sự hưởng ứng tham gia, tài trợ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
Tham gia cuộc họp giữa lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn của ngành VHTTDL giữa 3 địa phương Quảng Nam, TT- Huế, Đà Nẵng do Quảng Nam đăng cai vào cuối tháng 2 vừa qua, hầu hết các đại biểu cũng như các doanh nghiệp du lịch ở 3 địa phương đều đánh giá đây là động thái thiết thực, tích cực “tìm tiếng nói chung” để tạo ra những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương mà không bị trùng lắp. Đó cũng sẽ là yếu tố để thu hút lượng khách về miền Trung và rải đều ở các tỉnh chứ không rơi vào cảnh nơi thừa, nơi thiếu.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng cho rằng các bên cần có trách nhiệm thông tin và tuyên truyền, thông báo tất cả chương trình du lịch và sự kiện trên các trang web. Các địa phương sẽ chọn từ 3 – 5 đơn vị lữ hành tốt để hợp tác với khách sạn, nhà hàng… để có chính sách giá tốt, thu hút khách về tam giác di sản theo sự liên kết kích cầu du lịch được mở thường xuyên.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Minh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên – Huế, khẳng định dù xúc tiến quảng bá chung hay riêng thì vẫn sẽ với phương châm “Ba địa phương – Một điểm đến”. Khi từng địa phương tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá riêng lẻ vẫn sẽ giới thiệu chung cho cả ba địa phương.
Về cơ bản, các địa phương đã thống nhất sử dụng một bộ tài liệu quảng bá, xúc tiến “Ba địa phương – Một điểm đến” chung hay giới thiệu lẫn nhau các sự kiện tại mỗi địa phương, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch và cư dân 3 địa phương trong vùng “tam giác di sản” cùng hưởng lợi.
Kết thúc cuộc gặp gỡ này, cơ quan quản lý đã thống nhất nhanh chóng xuất bản tập gấp chương trình du lịch năm 2013, trong đó giới thiệu những sự kiện văn hóa DL, xây dựng phần mềm chung giới thiệu hình ảnh và xuất bản tập bản đồ DL 3 địa phương. Bản đồ này thể hiện tất cả điểm DL chính, bản đồ DL các thành phố, thể hiện một số sản phẩm và dịch vụ DL tại 3 địa phương… Những tài liệu chung này sẽ được giới thiệu đến các hãng lữ hành, địa phương trong nước và quốc tế khi tham gia hội chợ DL, chẳng hạn như hội chợ DL quốc tế ITE 2013 tại TP.HCM, hội chợ Kotfa Hàn Quốc và xúc tiến quảng bá tại Thái Lan… Theo đó, sẽ có gian hàng chung cho cả 3 địa phương. Ngoài ra, tại mỗi địa phương sẽ hỗ trợ 10 băng rôn, quảng cáo, giới thiệu về các sự kiện sẽ được tổ chức tại các địa phương năm 2013 và nhiều năm kế tiếp.
Theo kế hoạch, trong năm 2013, tại 3 địa phương sẽ có nhiều sự kiện được tổ chức như sự kiện lễ hội pháo hoa (29 – 30.4); du lịch mùa hè (tháng 6); trại điêu khắc quốc tế (tháng 8); marathon quốc tế (tháng 9) tại Đà Nẵng. Còn tại Quảng Nam sẽ có Festival di sản và Hội thi hợp xướng quốc tế (18-23.6). Tại TT-Huế có Festival làng nghề truyền thống (từ 27.4- 1.5). Việc liên kết, hợp tác giữa 3 vùng di sản không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh mà còn tạo được sự thống nhất trong việc quảng hình ảnh và sản phẩm DL của nhau, loại bỏ rào cản “cát cứ”, “tính địa phương”. Trước mắt, các bên thống nhất sẽ dành 150 triệu đồng/năm cho các hoạt động liên kết.
====================================================
Tại Quảng Ngãi vừa diễn ra hội nghị ký kết hợp tác phát triển DL giai đoạn 2013 – 2017 giữa TP.HCM và các tỉnh miền Trung (gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên -Huế). Theo đó, trong thời gian tới sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chính, gồm: hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển DL; xúc tiến, quảng bá DL; đa dạng hóa, tạo ra những sản phẩm DL liên vùng, góp phần tăng sức mạnh của DL Việt Nam; tăng cường công tác quy hoạch kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, ngành DL TP.HCM và các tỉnh sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong phát huy lợi thế của mỗi địa phương, khai thác tài nguyên DL hợp lý; thu hút nguồn nhân lực xã hội nhằm thúc đẩy phát triển DL, tăng thêm các lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội cho doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm DL, tour, tuyến liên vùng hoàn chỉnh…
====================================================
Theo: Báo Văn hóa