Bãi biển nằm ở Thanh Hóa là cái tên được nhiều người nhắc đến trong suốt mùa hè ở miền Bắc và những ngày này đang thay đổi để xóa dần những định kiến lâu nay.
Biển Sầm Sơn vào mỗi thời khắc trong ngày có những vẻ đẹp khác nhau để mỗi người có thể tận hưởng những khoảnh khắc cảm xúc của riêng mình. Khi bầu trời ửng hồng phía chân trời, từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân làng Núi trở về sau một đêm đánh bắt ngoài khơi xa, những nụ cười rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc báo hiệu một đêm ra khơi thành công.
Chợ hải sản được họp ngay bên bờ biển, khách du lịch có thể chọn lựa và thưởng thức tôm, cua, ốc, ghẹ, mực, cá thu, cá ngừ… Đây là những đặc sản vừa được cất lên từ biển Sầm Sơn. Khi mặt trời dần lên cao, biển Sầm Sơn lóng lánh dát vàng, từng cơn sóng vỗ bờ trắng xoá ôm lấy dải cát mịn màng ánh lên trong nắng vàng ươm, những cánh diều rực rỡ chao liệng giữa màu xanh của bầu trời, núi non và biển cả.
Buổi chiều, trời mát dịu, bãi biển tập trung rất đông người xuống tắm. Trong cái nóng oi ả của mùa hè miền Bắc, không có gì tuyệt hơn là được ngâm mình trong làn sóng biển trong xanh và đùa nghịch cùng những con sóng trắng xóa. Bạn cũng có thể nằm phơi mình trên bãi cát, tận hưởng hương vị của biển cả, đâu đó vi vu tiếng sáo diều. Hãy lắng nghe những thanh âm của biển và đón cơn gió mang theo vị mặn rất đặc trưng để tâm hồn thư thái hơn, êm dịu hơn hoặc cùng nhau xây lâu đài cát rồi lại trả nó về với biển khơi khi những đợt sóng lên cao.
Đêm Sầm Sơn, biển mờ ảo dưới ánh trăng, vẫn những đợt sóng vỗ bờ nhưng dường như êm đềm hơn. Vẫn là những âm thanh ấy nhưng không phải là tiếng vui đùa của du khách nhảy theo từng con sóng bạc đầu, mà là tiếng thì thầm của biển và sóng cùng với bản nhạc du dương của gió và rặng phi lao. Cảm giác cát mát rượi dưới những bước chân, biển trước mặt nhưng chứa đầy vẻ huyền ảo.
Trải qua bốn mươi bậc đá lên đến đền Độc Cước cổ kính, thu vào tầm mắt cảnh biển Sầm Sơn bao la và núi Trường Lệ kỳ vĩ chạy dài theo mép biển, xa xa là những làng chài nấp sau rặng phi lao hát vi vu trong gió. Chuyện xưa kể rằng, năm ấy một cơn đại hồng thủy đã cuốn hết thảy mọi thứ ra biển Đông, một người phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh hạ bị nước lũ cuốn trôi ra biển, rồi dạt vào bờ, bà nằm lại đây, nguyện làm con đê chắn sóng cho cả làng Kẻ Trường. Cảm phục và xót thương trước tấm lòng cao cả của bà, nhân dân trong vùng đem đất đá đắp lên thi hài bà thành dáng núi Trường Lệ như ngày nay.
Theo sườn núi Trường Lệ quanh co giữa những vạt thông reo, ta bắt gặp hai hòn đá nằm chênh vênh trên một phiến đá lớn, tưởng chừng chỉ cần gió mạnh là đổ sụp xuống. Nhưng ngàn đời nay nó vẫn nằm đó như minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu, như thách thức với thời gian và sóng gió. Đó là hòn Trống Mái, biểu tượng thủy chung của tình yêu.
Chuyện rằng ở vùng Sầm Thôn có chàng trai tên Ngư Phủ, khỏe mạnh lại siêng năng hết mực yêu thương nàng tiên nữ xinh đẹp giáng trần. Ngọc Hoàng hay tin con gái kết duyên cùng người hạ giới thì vô cùng tức giận, sai người xuống trừng phạt. Chàng Ngư Phủ hết lời khuyên nhủ trở về trời, nhưng nàng một mực ở lại cùng chàng. Nàng dùng phép biến vợ chồng thành đôi chim, khi sứ giả bước vào định bắt thì đôi chim non kia biến thành đá đứng trơ trơ, được người dân gọi là hòn Trống Mái.
Rời Sầm Sơn, vấn vương trong đầu hình ảnh buổi mai trong trẻo của đô thị biển xinh đẹp đang trở mình thức giấc trong ánh bình minh đón chào ngày mới sau giấc ngủ 100 năm có lẻ.
Nguồn dulich.vnexpress.net