Từ nhiều năm nay, các hoạt động kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí (DVTT-GT) trên biển như mô tô nước (jesky), ca nô kéo dù, lặn biển, lướt ván diều, thuyền kayak… ở Nha Trang – Khánh Hòa rất phát triển. Thế nhưng, vì thiếu các văn bản pháp lý cần thiết nên việc quản lý các dịch vụ này còn khá lỏng lẻo. Sắp tới, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ ban hành quy chế mới để đưa hoạt động kinh doanh DVTT-GT trên biển vào khuôn khổ.
Nguy cơ mất an toàn
Những năm qua, hoạt động kinh doanh DVTT-GT trên biển ở Khánh Hòa phát triển khá nhanh. Theo báo cáo mới nhất của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp (DN) kinh doanh mô tô nước và kéo dù, 11 DN kinh doanh lặn biển, 3 DN kinh doanh dịch vụ lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền kayak… Do thiếu các quy định pháp lý cụ thể nên hoạt động kinh doanh DVTT-GT trên biển khá lộn xộn, mất an toàn đối với du khách.
Theo phản ánh của TP. Nha Trang, tình trạng mô tô nước chạy vào khu vực bãi tắm vẫn xảy ra, nguy cơ gây tai nạn cho du khách thường xuyên rình rập. Nhiều du khách bức xúc trước tình trạng này nên đã viết thư phản ánh với cơ quan chức năng.
Sau đợt kiểm tra năm 2010 và đầu năm 2011, Sở VH-TT-DL cho biết, hầu hết các DN kinh doanh DVTT trên biển đều không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao trên biển; nhân viên cứu hộ chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; chưa có nhân viên y tế thường trực, không có phương án tổ chức và hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí trên biển. Đặc biệt, một số công ty không mua bảo hiểm cho khách tham gia lặn biển (đợt kiểm tra tháng 7-2010).
Thực tế cho thấy, nguy cơ gây tai nạn của hoạt động kinh doanh DVTT-GT trên biển là điều có thật. Việc du khách lo ngại mối nguy hiểm từ các môn thể thao trên biển là hoàn toàn có cơ sở. Gần đây nhất, ngày 31-5-2010, du khách người Nga Daniil Repjev đã chết đuối khi đi theo tour lặn biển ở Hòn Mun do Công ty TNHH một thành viên Rùa Lặn Đại Dương (Nha Trang) tổ chức. Trước đó, tháng 7-2007, tại một bãi tắm trong vịnh Nha Trang đã xảy ra vụ tai nạn 2 mô tô nước đâm vào nhau làm ông Tô Danh (Việt kiều Canada) chết và 1 người khác bị thương. Trên sông Cái Nha Trang từng xảy ra 2 vụ tai nạn mô tô nước làm 2 người chết. Vụ thứ nhất xảy ra vào tháng 6-2007, khi đó ông Guormelon Herve Henry (người Pháp) điều khiển mô tô nước đi chơi trên sông Cái Nha Trang, đã đâm vào một chiếc ghe đi cùng chiều làm 1 người rơi xuống sông chết đuối. Cũng trên con sông này, ngày 26-3-2009, ông Jacquet Gauthier (người Pháp) mượn chiếc mô tô nước chở một người bạn đi chơi. Do không quen điều khiển, ông Jacquet đã nghiêng người làm mô tô nước bị lật… và ông chết đuối.
Sẽ ban hành quy chế mới
Năm 2001, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4376/2001/QĐ-UBND để quản lý hoạt động kinh doanh DVTT-GT trên biển. Nhưng trước tốc độ phát triển của các loại hình du lịch biển đảo, quy chế ấy đã trở nên lỗi thời. Sau những vụ tai nạn thể thao xảy ra trên biển, tháng 7-2007, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Du lịch – Thương mại (cũ), Công an tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng văn bản quy định các khu vực tắm biển, khu vực hoạt động của các loại hình, phương tiện dịch vụ giải trí trên biển để sớm chấn chỉnh tình trạng mất trật tự, gây nguy hiểm cho nhân dân và khách du lịch trên các bãi tắm. Ngay sau đó, các đơn vị này đã hoàn thành bản dự thảo gửi UBND tỉnh, nhưng đến nay quy chế mới vẫn chưa được ban hành.
Việc chậm ban hành quy chế quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch lặn biển và thể thao giải trí trên biển đã gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý. Ông Lê Quang Lịch – Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL cho biết: “Đến nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương quy định cụ thể về hoạt động bể bơi và vui chơi giải trí dưới nước nên không có chế tài để xử lý sai phạm. Trong khi đó, quy định về kinh doanh DVTT trên biển do UBND tỉnh ban hành năm 2001 không có chế tài xử phạt. Vì vậy, mỗi khi phát hiện các DN vi phạm, chúng tôi thường phải vận dụng Luật Du lịch để xử phạt nên mức phạt khá nhẹ, chủ yếu mang tính nhắc nhở!”.
Tại cuộc họp ngày 25-5, ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo quy chế quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lặn biển và các hoạt động thể thao giải trí trên biển. Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt các DN để lấy thêm ý kiến về dự thảo này. Ngay sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến góp ý, UBND tỉnh sẽ có quyết định ban hành quy chế này để sớm đưa hoạt động thể thao giải trí trên biển và dịch vụ lặn biển vào khuôn khổ. Cùng với việc soạn thảo quy chế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, xác định các vùng được phép tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí và thể thao trên biển trong toàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát các rạn san hô có thể phát triển dịch vụ lặn biển để giảm áp lực cho Khu bảo tồn biển Hòn Mun.
Nguồn: Báo Khánh Hòa