Ngày 6/5/2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội thảo về bảo tồn và phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Ngãi gắn với di tích Trường Luỹ. Thông qua Hội thảo, lãnh đạo và ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu của ngành Khảo cổ học cho ý kiến để địa phương có kế hoạch bảo tồn và phát triển di tích quan trọng này.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực có liên quan. Đặc biệt, Hội thảo còn có mặt của các chuyên gia cao cấp về Khảo cổ học và Du lịch của Vương quốc Anh đến Quảng Ngãi để nghiên cứu, tư vấn cho tỉnh về việc bảo tồn và phát huy di tích Trường Luỹ và phát triển du lịch.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo cho biết: Năm 2005, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và bắt tay vào khai quật và nghiên cứu Trường Luỹ ở Quảng Ngãi. Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, đến tháng 4/2010 các nhà khảo cổ mới chính thức công bố kết quả nghiên cứu và khẳng định Trường Luỹ ở Quảng Ngãi là một công trình độc đáo nhất ở Đông Nam Á, có chiều dài hơn 127 km chạy qua 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định; trong đó Trường Luỹ chạy qua 10 xã của 8 huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu từ huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ và 2 huyện Hoài Nhơn, An Lão của tỉnh Bình Định.
Theo các nhà khảo cổ học, Trường Luỹ được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 17 đến 19, do người Việt và người Hre tham gia xây đắp. Trường Luỹ là công trình quân sự xây dựng mục đích để phòng vệ và là con đường giao thông giữa miền ngược và miền xuôi, giữa đồng bằng và miền biển.
Điểm đặc biệt, Trường Luỹ là một công trình đa dạng, chạy qua nhiều địa hình phức tạp, dọc theo dãy Trường Sơn. Nơi bằng phẳng được xây dựng đơn giản bằng đất, nơi sườn núi có độ dốc vừa phải được đắp cốt đất bên trong, bên ngoài ốp đá. Ở những nơi có độ dốc cao được xếp hoàn toàn bằng đá để tránh sạt lở; bình thường lũy đắp cao khoảng 1-3 mét nhưng có chỗ đắp cao 4 mét, chân luỹ rộng 6 mét, mặt trên của luỹ rộng 2,5 mét.
Trường Lũy Quảng Ngãi chạy qua rất nhiều sông, suối, và nhiều vùng. Nó không phải là hệ thống lũy khép kín, ngoài việc phòng thủ quân sự, Trường Lũy còn là nơi giao lưu buôn bán giữa miền ngược và miền xuôi. Theo các nhà khảo cổ khai quật Trường Luỹ, họ còn tìm thấy dấu tích của con đường cổ chạy dọc theo luỹ. Đây là một phần của con đường Thiên lý nối Kinh đô Thăng Long với các tỉnh phía Nam, là lộ trình cho các cuộc hành quân lịch sử thời xưa.
Tại Hội thảo này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng: Trường Lũy là công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với Quảng Ngãi. Hội thảo là cơ hội để Quảng Ngãi lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khảo cổ và du lịch; từ đó sẽ đưa ra kế hoạch bảo tồn và phát triển di tích Trường Lũy một cách bền vững.
Tiến sĩ Christopher Young – Chuyên gia cao cấp của Hội đồng Di sản Anh phát biểu: Trường Lũy Quảng Ngãi được xem là công trình khá độc đáo trên thế giới, công trình này vẫn còn nguyên vẹn, đây là cơ hội để các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ đến Quảng Ngãi và ngoài yếu tố lịch sử văn hóa nó còn là tiềm năng và là cơ hội để Quảng Ngãi khai thác và phát triển du lịch văn hóa lịch sử và điều đó sẽ tạo nhiều việc làm cho người dân vùng nông thôn.
Bà Jane Brantom – Chuyên gia cao cấp về du lịch của Vương quốc Anh đã tư vấn cho tỉnh các nguyên tắc cơ bản phát huy và phát triển du lịch bền vững; mong muốn tỉnh Quảng Ngãi sớm xây dựng kế hoạch tổng thể về khai thác du lịch của tỉnh.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – Viện Khảo cổ học Việt Nam phát biểu: Trường Lũy không phải là di sản riêng của tỉnh Quảng Ngãi hay Bình Định mà là di sản của quốc gia. Đây là di sản vật thể và mang nhiều yếu tố phi vật thể khác, sự tồn tại của nó là một câu chuyện lịch sử phong phú làm giàu hơn giá trị này.
Cùngngày, đồng chí Nguyễn Hòa Bình – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với Đoàn khảo cổ trong và ngoài nước đến dự Hội thảo. Tại buổi làm việc này, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã cảm ơn những nhà khoa học đã tư vấn cho tỉnh nhiều ý kiến trong việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Trường Lũy ở Quảng Ngãi trong thời gian tới.
Nguồn: Báo điện tử ĐCSVN