Chúng tôi đều đã vượt qua và trải nghiệm, những trải nghiệm không bao giờ quên. Đi rồi mới thấy cái đẹp thanh tao hư ảo của miền cao trong cái nhọc nhằn, vất vả của điều kiện địa hình.Nơi khách du lịch tìm đến để khám phá , về với thiên nhiên.
Một tấm ảnh mùa vàng ở A Lù đã ám ảnh tôi suốt hai năm, trước khi bắt đầu chuyến đi về thị tứ bé nhỏ này trên miền biên giới. Khi miền Bắc vào thu, cả Tây Bắc trở thành những điểm đến lộng lẫy và đầy háo hức của dân “phượt”. Người ta đến Mường Hoa thăm lúa, qua Mù Căng Chải đón lúa reo đỉnh trời, đắm mình trong những cánh đồng vàng Sín Chải, Ý Tý…
Và một trong số những điểm đến đó, có thêm cái tên A Lù.
A Lù là một trong những xã nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc dọc theo suối Lũng Pô, thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai. Dù bạn đến A Lù theo hướng nào, từ Ý Tý, Ngải Thầu lại hay từ Lũng Pô, A Mú Sung sang cũng vất vả, nhọc nhằn chả kém gì nhau. Đường đèo cao, vực sâu, sạt đường mấy năm chưa tu sửa, đá sỏi gập ghềnh, vừa chạy xe vừa căng người ra chuẩn bị tinh thần… ngã. Nhưng đã lên đến Bát Xát, nhất định phải đặt chân trên đất A Lù.
Cũng như nhiều xã vùng cao Bát Xát, địa hình A Lù bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, thấp dần từ đông nam sang tây bắc, giao thông trong vùng vô cùng khó khăn, cách trở. Nhưng cũng chính điều này đã mang lại cho A Lù một vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt. Bà con người Mông, Dao, Hà Nhì, Phù Lá sống rải rác trên lưng núi, canh tác ruộng bậc thang khắp nơi. Vào mùa vụ, từ trên cao nhìn xuống A Lù trông như một bức tranh vẽ.
Do nằm trên độ cao từ 700-1.000m so với mặt nước biển, lúa A Lù chỉ cấy một vụ, bà con phải chắt chiu từng thửa đất để trồng cây lương thực, thảo quả, trồng lúa, chỗ nào không dắt được nước thì gieo lúa nương. Những yếu tố tự nhiên và con người đó đã làm nên một điểm đến A Lù óng ả và phiêu bồng, đặc biệt vào mùa lúa chín cuối tháng 9 đầu tháng 10 hằng năm.
Ở A Lù, Séo Phìn Chư, Ngải Chồ, Khu Chu Lìn, Khoa San Chải, Tả Suối Câu… những cái tên đọc lên đã thấy khó, đường lên thôn, lên bản còn khó gấp vạn lần. Vậy nên sau phiên chợ Ý Tý sáng thứ bảy hằng tuần là lại gặp mấy thanh niên Mông tập chạy xe máy trên khoảnh đất khá rộng gần cánh đồng A Lù. Họ tập chạy xe cho “ngọt” để còn đi trên những con đường chênh vênh sườn núi, bé xíu và gộc gằn đá sỏi trở về nhà.
Các bạn tôi cũng muốn thử tay lái người Kinh lên núi, nên quyết định đi xe xuống bản A Lù, một phần vì không cưỡng lại được sức hấp dẫn từ những mái nhà nhỏ xíu trên đỉnh một mỏm núi thấp hơn con đường chúng tôi đang đứng khi chiều buông.
Những làn khói mỏng tỏa lên từ những nóc nhà dưới bản A Lù trở thành một ma lực cuốn chúng tôi xuống núi, dù chiếc xe máy thay vì là một chiến mã tung vó trên thảo nguyên, nay lại trở thành một vật cản khiến khoảng cách từ trên đường quan lộ xuống A Lù càng thêm khó khăn bội phần. Sau khi thử sức được vài chục mét, chúng tôi quyết định bỏ xe lại và đi bộ xuống bản.
Nắng chiều đang tắt dần trên cánh đồng mới vào vụ gặt, cả một thảm lúa mênh mang hút tầm mắt đi về tận cuối trời. Đôi chỗ đã gặt, mà sao có thửa ruộng vẫn còn xanh? Nhà nào trong bản đã lỡ vụ cấy chậm vài ngày để bức tranh A Lù thêm điểm nhấn, thêm khắc khoải và thêm phần ma mị khi thần bóng đêm đang chầm chậm choàng tấm áo của mình lên cánh đồng.
Trên đỉnh cao A Lù ấy, tôi không nghe thấy tiếng ồn ào của cuộc sống, không thấy hờn ghen, không âu lo khắc khoải.
Tôi ngồi trên mỏm đá, phía dưới là cánh đồng A Lù. Trái tim tôi rộng mở, như cánh đồng A Lù đang xoải cánh. Trái tim tôi đủ đầy như màu vàng ấm áp của A Lù. Có khi nào tôi quay lại chốn ấy để thấy một A Lù khô cằn sỏi đá và cỏ dại lấp đầy trên ruộng bậc thang không?
H.BÁCH HOA – Ảnh: THỦY TRẦN