TTO – Gọi là chợ nhưng nó bé hơn ta hình dung. Nhưng điều này không quan trọng lắm khi khách du lịch được mục kích quang cảnh mua bán ở ngôi chợ độc đáo này. Đây cũng là địa điểm duy nhất mà nhóm Chu Du chúng tôi phải khởi hành đi từ 2g sáng để kịp xem chợ.
Chợ nón Gò Găng nằm ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, chỉ cách thành phố Quy Nhơn khoảng gần 30km. Chợ họp ngay ngã ba, ven đường quốc lộ, đâu chừng mười mấy gian hàng.
Chợ chỉ họp từ khoảng tầm 3-4g, đến khi trời hưng hửng sáng thì tan. Không ồn ào quá mức, chỉ đủ gây xôn xao một góc nhỏ miền quê tĩnh mịch. Cả nhóm ngồi bệt bên vệ đường quốc lộ mà chờ, rồi thấy những ngọn đèn dầu leo lét trong đêm được thắp lên, mỗi lúc lại thêm một ngọn, đâu chừng có tất cả khoảng hơn chục ngọn đèn, là chợ đã bắt đầu.
Chợ chỉ có những ngọn đèn dầu để soi sáng đêm tối (không một ngọn đèn đường hay từ một nhà chung quanh nào hắt ra), để xem chất lượng các loại nón và cũng để dễ thấy tiền mà đưa qua thối lại. Cả nhóm bảo nhau, vậy là cái điểm đêm của mình bị thiệt thòi nhất trong tất cả các điểm đêm của các nhóm khác, vì “ánh sáng hiện trường” quá yếu. Nhưng có hề gì, vẫn lôi N82 ra mà bấm trong cái hân hoan lần đầu được thấy ngôi chợ như thế này.
Chợ có ít xe máy, chủ yếu là xe đạp. Lâu lâu lại thấy mấy chiếc xe đạp trờ tới từ màn đêm, người đi xe cầm chồng nón, có khi chục cái, có khi 5-7 chục, để đưa cho người bán, không được giá thì lại quày quả mang qua hàng khác. Cách ngã giá nghe dễ thương lắm, cho dù bạn là người không rành, không rõ giọng điệu địa phương. Giọng người dân quê khi buôn bán nghe chân chất lạ, cũng ngã giá, chào mời mà không khách sáo màu mè hay đanh đá chua ngoa như thường gặp trong nhiều chợ ở các địa phương khác.
Nón bán ở đây nán là nón thô, người ta chằm xong là đem bán. Người mua đem về, quét dầu, gắn các loại quai nón hay những phụ liệu linh tinh khác rồi bỏ lại cho bạn hàng từ các tỉnh, đem đi Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc hay ra Tuy Hòa, Quy Nhơn…
Theo bà lão mua nón ở đây thì chợ này hình thành cũng tròm trèm trên dưới 50 năm. Bà cười móm mém: “Tui buôn bán chợ này mấy chục năm rồi. Mà người bán nón là nông dân không à, lúc rảnh rỗi giữa mấy mùa lúa thì đi chằm nón bán kiếm thêm tiền chợ chứ đây không phải là nghề chính”.
Cắc cớ hỏi nhiều người rằng bây giờ người ta đội nón bảo hiểm, nón bình thường đội đầu còn khó bán, khó sống nữa là nón này. Bà lại cười hồn hậu: “Ai nói gì tui không biết chứ nào giờ thì vẫn bán buôn như mọi khi, người ta vẫn đội rần rần đó thôi”.
Ở phố thị thì không biết thế nào, nhưng với người dân quê, quanh năm ra ruộng, đi trên đường làng chủ yếu bằng đôi chân của mình, chiếc nón lá đội đầu vẫn là một sự gắn bó thân thuộc. Nên cũng dễ hiểu khi ngôi chợ là lạ này chỉ toàn phụ nữ, từ người mua kẻ bán đến người đi thâu tiền góp.
Nón ở đây có khá nhiều loại, không hiểu làm thế nào mà người mua phân định rất nhanh giá từng loại nón chỉ sau một cái lần tay vào vành nón, một chút sáng của ngọn đèn dầu được kéo gần hơn. Tiểu thương ở đây cười; “Kinh nghiệm mà, quen mắt, nhìn hàng là biết ngay thôi”. Những chiếc nón chỉ có giá khoảng từ 4.000-5.000 đến trên dưới 10.000 đồng. Rất nhiều người ra chợ với khoảng vài chục nón vừa chằm xong, có khi chỉ là một chục. Lẩm nhẩm tính, cả tuần mới làm được 1 chục nón, chợt giật mình với giá trị đồng tiền được quy đổi. Thấy chuyến đi 100 điểm đến không chỉ đơn thuần là những khám phá thú vị…
LÊ MINH HẠ