Preah Khan – một trong những ngôi đền đá vĩ đại của Angkor – di sản văn hóa thế giới. Một điểm đến mà du khách không nên bỏ qua khi du lịch tới Campuchia.
Vào năm 1191, 10 năm sau khi lên ngôi, để hài hòa cân đối với đền Ta Prohm là ngôi đền mà vua Jayavarma VII đã cho xây dựng để tặng mẹ, vị vua này quyết định cho xây dựng ngôi đền Preah Khan để dâng tặng cha mình là Dharanindra.
Preah Khan là một trong những di tích ở Angkor vẫn còn được giữ cái tên nguyên thủy. Những tấm bia khảo cổ viết hoàn toàn bằng tiếng Phạn cho biết ngôi đền còn có tên gọi là Jayasri. Hai cái tên Jayasri và Preah Khan đều có nghĩa là “Gươm Thánh”.
Được xây dựng theo phong cách Bayon, Preah Khan ban đầu là một tu viện khổng lồ thu hút đến hơn 1.000 vị sư đến học tập và tu luyện. Đó là một thành phố thật sự với toàn bộ dân cư được quản lý và phân chia thành nhiều khu vực khác nhau tùy theo chức năng. Preah Khan cũng là nơi mà vua Jayavarma VII đã tạm ở trong suốt qua trình xây dựng hoàng cung của mình tại Angkor Thom.
Còn năm phút nữa là 18g, giờ đóng cửa của các di tích bằng đá huy hoàng của nền văn minh Angkor. Nhập nhoạng tối. Hai chiếc xe Tuk Tuk vội vã di chuyển trên con đường vắng đang nằm rất yên lặng giữa những hàng cây đẫm nước mưa. Trời mưa nhỏ và rả rích cả buổi chiều, đủ để làm ướt sũng cả khu rừng nhiệt đới xanh rì.
Đến cổng Preak Khan thì đã qua 6g tối. Không có người bảo vệ và kiểm soát vé. Các hàng quán đều đã đóng cửa, le lói ánh đèn qua khe liếp. Từ con đường lớn nhìn vào, Preah Khan âm u và trầm mặc trong ánh sáng lờ mờ. Đã quá muộn cho một chuyến tham quan, nhưng chúng tôi vẫn quyết định ghé thăm ngôi đền.
Đón chúng tôi ở trước cổng đền là hai hàng tượng đá, tượng trưng cho một bên thiện và một bên ác, mỗi hàng tượng cùng nâng trên tay một con rắn Naga bảy đầu dài hàng chục mét, nhưng phần lớn các tượng đều bị cụt đầu. Cuối sảnh sân lát đá rộng lớn là cổng đền được xây dựng đặc trưng theo phong cách Bayon nhưng đơn giản hơn vì không có những khuôn mặt cười.
Cổng đền bên phải là lối duy nhất để tiến vào bên trong bức tường thành thứ nhất. Khoảng cách giữa hai cửa đôi chừng hơn 1m, nhưng bên trong tối đến mức tôi lạnh toát cả người khi vội vã đuổi theo các bạn đã đi trước đó vài phút. Một con đường đất bụi dẫn tới khu đền trung tâm, hai bên là những rừng cây dây leo im lặng đến khó thở. Chúng tôi đang là những vị khách duy nhất của khu đền.
Cửa chính của ngôi đền trung tâm có hai bức tượng đá cầm đao cụt đầu đứng canh hai bên. Ánh sáng đủ để chúng tôi nhìn rõ các vũ nữ apsara yên lặng trên những bức tường đá, trên đường diềm trang trí phía trên cửa ra vào. Phía trước mặt, một hành lang dài và sâu hun hút với vô vàn các cánh cửa hình chữ nhật nối tiếp nhau.
Chúng tôi bước vào, và đột nhiên không ai bảo ai tất cả cùng hét lên và chạy loạn dọc theo trường lang trung tâm. Chúng tôi dừng lại ở nơi có một cụm yoni và linga (sau này tôi mới nhận ra đây là yoni duy nhất có linga ở bên), rồi phá ra cười. Có lẽ, những ai đó chợt bị đánh thức khỏi giấc ngủ mấy ngàn năm cũng sẽ tha thứ vì tiếng cười hồn nhiên đến kỳ lạ của một nhóm lữ hành lang thang trong buổi chiều mưa lạnh.
Preah Khan chìm dần vào bóng tối khi chúng tôi bước dọc con đường nối những cánh cửa. Một vẻ đẹp huy hoàng và thần thoại đến khó tin, những hạng mục công trình dày đặc, cầu kỳ và kết nối phức tạp. Những gốc cây khổng lồ treo lơ lửng trên tường thành. Những đống đá đổ nát nằm lặng thinh. Vô số yoni không có linga nằm rải rác khắp nơi, có những yoni có ba, bốn lỗ hết sức độc đáo và kỳ lạ. Chính giữa đền thờ đặt một ngôi mộ tháp. Đây cũng là điểm giao giữa hai hành lang cắt nhau hình dấu cộng.
Preah Khan huyền hoặc trong sự tĩnh lặng của quá khứ và hiện tại, giấu trong lòng những câu chuyện không biết kể cùng ai, rằng bằng cách nào và như thế nào bao nhiêu sức người, sức của đã đổ ra để hôm nay vẫn còn đó một tàn tích “Gươm Thánh” tuyệt diệu, gieo vào lòng thế hệ đi sau hàng ngàn năm một câu hỏi vì sao không có lời giải đáp.Chúng tôi vẫn di chuyển theo hành lang trung tâm. Và lặng lẽ quan sát, ngắm nhìn khối kiến trúc kỳ vĩ của tổ tiên người láng giềng Campuchia. Bầu trời trên đầu chúng tôi đang chuyển từ xanh sậm sang màu của bóng tối. Mưa vẫn lất phất bay.
Sau này, mỗi khi nhớ lại những những giây phút tĩnh lặng giữa một Angkor danh tiếng luôn đầy ắp khách du lịch, chúng tôi vẫn thầm cảm ơn quyết định dũng cảm đã đưa bước chân chúng tôi đến với Preah Khan khi mặt trời đi ngủ. Cho dù lúc rời đi, tiếng chim vòi cất lên thảm thiết sau bụi cây khiến chúng tôi phải dè chừng, và bước chân người bạn đồng hành cuối cùng bị níu lại sau ô cửa khiến chúng tôi hoảng sợ. Nhưng thật xứng đáng để có những khoảnh khắc tuyệt vời ở Preah Khan.
Sáng hôm sau, chúng tôi quay lại ngôi đền thần thánh đã đem lại những cảm xúc thật ấn tượng buổi chiều hôm trước. Ban ngày Preah Khan lộng lẫy bởi sự kỳ vĩ và hoành tráng đến kinh ngạc. Những phiến đá, hầu như tất cả những phiến đá làm nhà, tường thành, mái vòm… đều được chạm trổ một cách tinh tế, dù nông hay sâu, hình vũ nữ, tượng Phật, đạo sĩ, hoa văn… và được sắp xếp cực kỳ ngay ngắn, cân đối và khoa học.
Ngôi đền được bao quanh bởi một lớp thành, và bản thân ngôi đền là một khối kiến trúc khá vuông vắn, được gắn kết cực kỳ phức tạp với nhiều hạng mục công trình được nối với nhau bằng hai trường lang hình dấu cộng chia ngôi đền làm bốn phần. Ở đầu mỗi trường lang là một cổng đền với hai bức tượng khổng lồ đứng canh.
Ngoài ra, ngôi đền cũng có một vài đặc điểm khá thú vị trong kiến trúc và mỹ thuật. Về mặt kiến trúc, một hạng mục nhà hai tầng được xây lên ở phía tây của ngôi đền chính bởi những cột trụ giống như kiến trúc La Mã cổ đại. Đây là ngôi đền duy nhất có những cột trụ bằng đá hình tròn trong quần thể Angkor và có vẻ như được thêm vào trong thời kỳ sau đó.
Về mặt mỹ thuật thì những bức tượng Phật được chạm khắc trên đá tường thành hay mái vòm đều bị phá hủy hoàn toàn hoặc đục mất hết đầu. Đây chính là bằng chứng cho thấy sự hồi sinh vào thời kỳ sau đó của đạo Hindu đã gây ra sự hủy hoại đáng tiếc này.
Khu đền rất đông khách du lịch, họ thích thú chui qua mọi ngõ ngách hay đi lang thang để khám phá những tinh hoa mà vị vua Jayavarman VII đã làm nên cùng thần dân của người. Chúng tôi đứng ở cuối hành lang cửa phía đông, hành lang đã cắt hành lang trung tâm tại chỗ đặt stupa (mộ tháp), chỗ này vắng và ít khách dừng lại lâu, lặng người suy nghĩ về một nền văn minh huy hoàng đã chìm sâu trong quá khứ với lòng ngưỡng mộ sâu sắc và những nuối tiếc khôn cùng.
Source Tuổi Trẻ