Đất nước Trung Hoa rộng lớn từ lâu không chỉ nổi tiếng với cố cung Bắc Kinh, Vạn lý Trường thành, Di Hòa viên, lăng mộ Tần Thủy Hoàng… mà còn thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước bởi những danh thắng có một không hai đắm say lòng người. Một trong những nơi như thế là Nga Mi.
Nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, núi Nga Mi còn gọi là “Đại Quang Minh sơn”, nổi tiếng bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, kết hợp hài hòa với những công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng lâu đời được ví như “núi tiên nước Phật”.
Theo người dân địa phương, tên gọi Nga Mi do núi ở đây dài và hẹp giống như một bộ mày ngài. Cùng với Ngũ Đài Sơn – tỉnh Sơn Tây, Phổ Đà Sơn – tỉnh Chiết Giang và Cửu Hoa Sơn – tỉnh An Huy, nơi đây được tôn là một trong bốn ngọn núi thiêng nhất của Phật giáo Trung Hoa.
Trên núi có rất nhiều chùa, điện, am tuyệt đẹp và cổ kính xen với những bóng cây cổ thụ, nhưng nổi tiếng nhất là: Chùa Báo Quốc, chùa Vạn Niên cũng như Tấn Dương điện, Thần Thủy các và điện Nghìn Phật. Trong các bức tượng ở đây, có lẽ tượng Thập phương Phổ Hiền (ảnh phải) mặt quay về 4 hướng, tự tại trên đài sen, cưỡi trên 4 con voi lớn cao 48m bằng đồng mạ 20kg vàng nằm trên đỉnh cao 3.079m là uy nghi và lộng lẫy nhất. Những di vật quý của Phật giáo hàng trăm năm tuổi như kinh Bối Diệp, tháp đồng Hoa Nghiêm, chuông Thánh Tích, kim ấn Phổ Hiền vẫn còn được lưu giữ lại cho tới ngày nay.
Với những người hiểu biết về võ thuật và những người hay xem phim chưởng bộ của Trung Quốc thì đều biết tới núi Nga Mi. Vì đây là nơi sinh ra một trong những môn phái võ mạnh và nổi tiếng của Trung Quốc. Điều đó khiến cho khu danh thắng càng cuốn hút hơn lữ khách gần xa. Tương truyền, ngọn núi này là đạo trường của Bồ tát nên nó tượng trưng cho sức mạnh và cát
tường. Vì vậy, du khách đến với Nga Mi không chỉ được ngắm một bức tranh thủy mặc được thiên nhiên ban tặng, mà còn có diễm phúc lớn khi đến một địa danh linh thiêng của Phật giáo để lòng được thanh tịnh, với ước vọng sự khỏe mạnh, an khang của bản thân và gia đình.
Núi Nga Mi rộng hơn 200km2, có phong cảnh sơn thủy hữu tình với đỉnh Vạn Phật cao 3.099m so với mực nước biển. Điều đặc biệt là một ngày trên núi Nga Mi có tới bốn mùa. Môi trường tự nhiên hài hoà tạo điều kiện thuận lợi cho các loài động – thực vật sinh trưởng và phát triển đa dạng, chiếm tới 1/10 tổng số loài của toàn Trung Quốc. Vì vậy, nơi đây được mệnh danh là “bảo tàng động – thực vật tự nhiên”, rất quan trọng trong việc nghiên cứu sự đa dạng sinh học. Vì vậy trên hành trình lên tới đỉnh cao nhất, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều loài động – thực vật mà chưa bao giờ được chứng kiến. Đây cũng là một điều lý thú của chuyến khám phá danh sơn này.
Nổi tiếng nhất trong quần thể “núi tiên nước Phật” này phải kể đến tượng phật Lạc Sơn (ảnh trái) hay “đại phật Gia Định” nằm trên ngọn Thê Loan, phía chân núi Nga Mi về phía đông nhìn ra chỗ hợp lưu của ba con sông là Mân Giang, Đại Độ va Thanh Y . Đây là tượng phật lớn nhất thế giới được tạc vào vách đá cao 71m được ví “núi là một pho tượng, Phật là một ngọn núi”. Phật được chạm khắc công phu với những đường nét tinh xảo, thanh thoát và cân đối, thể hiện khí thế hùng vĩ. Bức tượng mô tả Phật đang ngồi, hai tay đặt trên đầu gối. Thân của tượng phật cao 59,98m. Điều đặc biệt, đỉnh đầu của tượng có tới 1.021 búi tóc và móng tay nhỏ nhất cũng đủ lớn để cho một người ngồi vào.
Theo truyền thuyết, hòa thượng Hải Thông thời nhà Đường đã khởi xướng việc tạc bức tượng này với hy vọng Phật có thể giúp làm cho nước sông êm đềm, tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại trên sông. Một điều xúc động là khi nguồn tài trợ cho công trình bị đe dọa, ông đã tự khoét để tỏ lòng mộ đạo và sự thành tâm của mình. Công việc thiện tâm này chỉ được các môn đồ của ông hoàn thành sau 90 năm. Trong thực tế, nhờ có công trình xây dựng khổng lồ này đã tạo ra rất nhiều viên đá nhỏ lắng xuống lòng sông, làm cho các dòng chảy trở nên hiền hòa và vì thế làm cho tàu bè qua lại dễ dàng hơn.
Núi Nga Mi và đại phật Lạc Sơn đã được liệt vào danh sách di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới năm 1996 do có giá trị rất cao về lịch sử, cảnh quan và đa dạng sinh học.
Nguồn: Lao Động