Những nếp nhà sàn cổ, điệu khèn, tiếng sáo, trang phục, công cụ lao động sản xuất truyền thống, cộng với cảnh đẹp thiên nhiên nguyên sơ, huyền bí của bản vùng cao… Tất cả đã tạo lên một Nà Luồng thân thiện đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Nằm cách trục đường quốc lộ 4D gần hơn 7km, bản Nà Luồng, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường là nơi cư trú của 91 hộ và gần 500 nhân khẩu đồng bào dân tộc Lào. Với những phong tục, tập quán sinh hoạt đặc trưng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống và phương thức lao động sản xuất trồng lúa nước, trồng ngô, bản Nà Luồng đang được coi là điểm hội tụ các yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, gắn với văn hóa dân tộc.
Sau khoảng 20 phút trên con đường cấp phối quanh co uốn quanh các sườn núi, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi cảnh vật thiên nhiên nơi đây. Trong ánh nắng vàng của buổi chiều tà, dòng Nậm Mu đầu bản lấp lánh dưới ánh mặt trời như rát bạc. Nhìn từ trên cao xuống, đập vào mắt du khách là cánh đồng lúa vàng óng đang vào mùa gặt. Nà Luồng hiện ra với những nếp nhà sàn cổ, những đụn khói lam chiều phảng phất trong những bóng cây cổ thụ.
Sức hút đến với du khách ngay từ đầu bản khi phải qua chiếc cầu treo chênh vênh, cảm giác bồng bềnh, lãng đãng trong gió núi. Trên con đường mòn dẫn vào bản qua cánh đồng đang vào mùa gặt, mùi ngai ngái của rơm rạ như đưa du khách về với cánh đồng quê thuở thơ ấu. Vừa đặt chân đến bản, du khách sẽ nghe thấy tiếng lách cách âm vang khắp bản. Dưới gầm sàn, đầu nhà là bóng dáng cô gái Lào răng đen, mặc trang phục truyền thống đang miệt mài bên khung cửi.
Ông Lò Văn Điếng – Trưởng bản Nà Luồng cho biết: “Vẻ đẹp tự nhiên của Nà Luồng là do bà con trong bản giữ được phong tục, tập quán và các nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đầu năm đến nay đã có nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài đến với bà con. Khách ở lại có, khách ghé thăm rồi đi ngay có. Họ đến đây đều bỏ tiền ra mua một cái áo, cái quần hay cái túi mang về làm kỷ niệm. Từ đó bà con cũng có thêm việc làm và thu nhập phục vụ cho cuộc sống hàng ngày”.
Đến bản Nà Luồng, ngoài việc được trải nghiệm cuộc sống lao động sản xuất thường ngày của người dân bên những thửa ruộng bậc thang, cánh rừng gần như nguyên sơ hay những thảm thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng, du khách còn được hòa cùng không gian văn hóa đặc trưng, truyền thống. Những bộ trang phục đẹp mắt, hàm răng đen bóng của các thiếu nữ đến những bài ca dân vũ cổ xưa bên điệu khèn, tiếng sáo hay tục té nước (Bun Vốc Nặm) trong những dịp hội hè, lễ tết, cưới xin… Tất cả như hòa quện vào nhau tạo lên một Nà Luồng đặc sắc, thân thiện và mến khách.
Nà Luồng đã được lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) và những người có thâm niên trong ngành Du lịch của các tỉnh Tây Bắc trong chuyến khảo sát tuyến du lịch vào đầu tháng 9 vừa qua. Sau chuyến đi, những người có trách nhiệm đã bỏ phiếu bầu chọn Nà Luồng là điểm bản đặc sắc nhất trong 8 tỉnh miền núi phía Bắc.
Tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ đưa Nà Luồng vào danh sách điểm đến trong tuyến di lịch “Vòng cung Tây Bắc”.
Ông Nguyễn Thành Công – Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Đây là điểm bản đầu tiên của tỉnh được “xếp hạng” trong khu vực do chính những người trong ngành bầu chọn. Khi có văn bản chính thức công nhận bản trong tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”, trung tâm sẽ tham mưu với Sở để lập hồ sơ trình tỉnh tuyến du lịch cộng đồng: Vàng Pheo – Bản Hon – Nà Luồng.
Nguồn: Báo Lào Cai