Bốn chúng tôi đã chuẩn bị khá chu đáo cho một chuyến trekking không đơn giản với đủ bếp núc để tự nấu ăn hằng ngày và đủ loại thực phẩm.
Vườn quốc gia Pù Mát nằm ở sườn phía đông của dãy Trường Sơn, trải dài trên ba huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương ở phía tây nam Nghệ An với diện tích khoảng 91.000km2.
Đây là vùng rừng với sinh cảnh chủ yếu là rừng ẩm nhiệt đới núi thấp với các loại cây gỗ và dây leo phát triển mạnh, đồng thời là vùng có đa dạng sinh học lớn nhất tại khu vực Bắc Trường Sơn. Đỉnh cao nhất vùng là đỉnh Pù Mát 1.841m
Cả nhóm rời thị trấn Con Cuông để tiến vào chân Thác Kèm trong khu vực vườn quốc gia Pù Mát bằng xe máy. Thác Kèm cách thị trấn Con Cuông chừng 25km là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi không khí mát mẻ, môi trường trong lành và vẻ đẹp kỳ thú của dòng thác.
Từ chân thác Kèm, có thể lần theo đường mòn để ngắm cảnh núi non hùng vĩ, đi ngược qua thung lũng Khe Bu hoặc leo núi Pu Loong. Nhưng theo chân người dẫn đường đã đi rừng từ 8 tuổi, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình theo “tiếng gọi nơi hoang dã” bằng con đường mới.
Lầm lũi cắt ngang con đường nhựa, chúng tôi di chuyển trên con đường mòn nhỏ xíu. Đích nhắm đến đầu tiên là leo ngược lên ngọn thác Kèm.
Thác Kèm là tên gọi của dòng thác cao trên 100m, ngọn thác chính là nơi hợp lưu của hai dòng suối, một dòng nhỏ xuất phát từ đỉnh cao nhất, chảy khoảng 20m thì gặp dòng thứ hai hợp vào và cả hai dòng suối đều đổ nước xuống một địa danh chung gọi là thác Kèm.
Sau hơn 4 tiếng leo ngược dốc đá, đạp chân lên những thảm lá mục, căng ngang rừng Pù Mát, chúng tôi đến điểm nghỉ chân đầu tiên. Khu hạ trại được dựng lên sau 30 phút, mọi người nhanh chóng nhóm lửa để chuẩn bị nấu ăn, đáp ứng nhu cầu mấy cái dạ dày đang sôi réo ùng ục sau một hành trình mệt mỏi
Trước chuyến đi, thời tiết ở khu vực vườn quốc gia Pù Mát đã nắng to hơn 10 ngày mà đất rừng vẫn trơn như đổ mỡ. Những cây gỗ ướt nhẹp đã thử thách trình độ nhóm lửa của mấy anh nuôi bất đắc dĩ. Phải mất hơn một tiếng bữa trưa với cá khô và thịt hộp mới xong, được bổ sung một ít rau xanh hái trong rừng như lá chân chim, lá mì chính để bữa ăn thêm phần thịnh soạn.
Sau bữa trưa, ba người bạn đồng hành xuống suối câu cá cho bữa chiều với phương châm lấy thức ăn rừng là chính. Thượng nguồn khe Kèm không có các loại cá lớn, chỉ có những con cá nhỏ cỡ ngón tay.
Nhưng rồi điều không mong đợi và lo sợ nhất cũng đến: mưa rừng.Không lãng mạn mà ầm ầm,dai dẳng cả ngày cả đêm, xối ầm ầm qua các kẽ lá và kêu lộp bộp trên những tấm tăng. Mưa đến ngay khi chúng tôi đang chuẩn bị đèn cho chuyến săn ếch và săn cá ban đêm.
Trong đêm mưa, chúng tôi nằm nghe những câu chuyến phiếm, những câu chuyện về rừng của người dẫn đường. Những ký ức vui buồn. Những câu chuyện như thể bước ra từ trong sách, câu chuyện về những người thợ săn, những người đi cội (tìm trầm)…
Sáng, thức dậy trời vẫn lấm tấm mưa. Loay hoay mãi vẫn không thể nhóm lửa vì củi quá ướt, cuối cùng đành nấu mìgói cho bữa sáng bằng bếp cồn.
Trời vẫn mưa. Đi rừng nhiệt đới ngày mưa thật sự luôn là một thử thách khắc nghiệt. Những con đường trở nên trơn nhẫy, sẵn sàng quật đổ tất cả, những con dốc cao, gập ghềnh, trắc trở… cả với những người đi rừng rắn rỏi và đầy kinh nghiệm.
Chúng tôi bàn bạc và phân tích khá kỹ về tình huống, dự đoán những khó khăn sẽ phải đối mặt. Tất cả dọn dẹp nơi cắm trại và quyết định tìm một con đường mòn mới khác con đường hôm trướcđể trở lại cửa rừng.
Đến chiều, chúng tôi cũng ra được khỏi rừng, bỏ lại sau lưng cơn mưa rừng đã làm chúng tôi lỡ hẹn với rừng già, để lại sau lưng mình lời hứa với những đỉnh núi cao, với con dốc thẳng đứng và những con vắt đang đợi chờ…
MẠNH NGUYỄN