Một trong những cách thú vị để tiếp cận vùng đất này là bạn hãy rời Hà Giang từ sáng sớm, để có thời gian khám phá Quản Bạ đúng lúc mặt trời lên và sương chưa kịp tan hết khỏi các dãy núi. Một bức tranh thủy mặc, bồng bềnh, lãng mạn và rất phiêu du.
Đường từ Hà Giang lên Quản Bạ rất đẹp, lúc chạy song song dọc theo sông Nậm Điêng, lúc căng ngang giữa bản làng thung lũng, lúc thắt lại giữa hai bức tường đá cao sừng sững, lúc chênh vênh vắt vẻo lưng chừng trời. Lần đầu lên Hà Giang, có lẽ khách du lịch nào cũng bị ngợp bởi con đường chạy qua khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang và Bát Đại Sơn.
Có lần, khi chạy xe đến Minh Tân, nơi mà ngước mắt nhìn lên bạn sẽ thấy dòng chữ “Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn” nằm trên vách núi, tôi thật sự bị bất ngờ khi chứng kiến bản phối màu của núi rừng, nắng sớm và mây trắng.
Tinh khôi, trong trẻo, những ray nắng huyền bí xuyên qua tầng cây tạo nên một khung cảnh kỳ diệu. Hơi gió lạnh tỏa ra từ vách núi không làm cho tay ga chùn đi, ngược lại, như một chất xúc tác khiến người đi quên hết những muộn phiền âu lo, hoàn toàn thả hồn vào thiên nhiên tươi đẹp.
Tôi thường dừng xe trên đỉnh đèo Bắc Sum và nhìn ngược về phía Minh Tân. Con đường uốn lượn zíc zắc ở bên dưới kia, lẫn giữa mảng màu xanh thẫm của cỏ cây, những mái nhà nhấp nhô bé xíu và những đám sương trắng bồng bềnh. Chiếc xe chậm chạp leo dốc, vào cua khá gắt, đường vắng tanh không một bóng người, hãn hữu lắm mới gặp vài chiếc xe máy chạy ngược chiều.
Chợ phiên Quyết Tiến cách trung tâm huyện Quản Bạ khoảng 7km về phía Hà Giang, là chợ phiên miền núi đầu tiên tôi ghé qua trong chuỗi hành trình lang bạt. Chợ họp vào sáng thứbảy hằng tuần, trước đây họp dưới chân núi, gần sát đường lộ, mang dáng vẻ rất tự nhiên và mộc mạc.
Sau này khi cuộc sống khá giả hơn, chợ đã được xây dựng thành các dãy nhà, có phân loại hàng hóa và có tường bao làm giảm đi vẻ hoang sơ ban đầu, nhưng vẫn là một nơi đầy màu sắc bởi sự góp mặt của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Bố Y. Người mang gà, kẻ dắt lợn, phụ nữ thì gùi quẩy tấu đầy ắp rau cải mèo. Đến cuối phiên chợthế nào cũng thấy đàn ông ngất ngưởng say, có khi ngủ gục dọc đường về.
Còn cách thị trấn Tam Sơn khoảng 3km đường, chúng tôi ghé thăm cổng trời Quản Bạ. Trời mù mịt hơi sương, từ trên vọng cảnh đài cao tới hơn 1.500m nhìn xuống chỉ thấy thấp thoáng những mái nhà và ngọn Núi Đôi danh tiếng khi mờ khi tỏ. Có lúc gió cuốn mây mù đi để lộ ra con đường cong cong đi giữa hai sườn núi, một nhóm người Tày địu củi trĩu vai ở trong rừng bước ra, bước chân vội vàng, hối hả, chẳng mấy chốc lại khuất dạng sau đám cây rừng.
Núi Đôi
Lên xe chạy thêm khoảng 500mlà đến một “vọng cảnh đài” lộ thiên ngay trênquốc lộ 4C, nơi có thể dừng chânđể ngắm nhìn thị trấn Tam Sơn thỏa thích và đầy mãn nguyện. Những ruộng lúa chín vàng ruộm bừng lên khi mặt trời vén mây nhìn xuống. Một góc thị trấn sôi động và sầm uất với những mái nhà nâu, đỏ.
Núi Đôi hay còn gọi là núi Cô Tiên tựa như đôi gò bồng đảo của người thiếu nữ xanh một màu ngà ngọc. Người lãng khách ngẩn lòng, có thể nào không phải lòng một Quản Bạ khoáng đạt và sắc màu như thế này không?
Bản Nà Khoang nằm ở trung tâm thung lũng Quản Bạ, là bản sinh sống của người Tày. Tôi lang thang dọc theo con đường đã được bêtông hóa, ngó nghiêng từ nhà này sang nhà khác, vắng vẻ vì mọi người đều đi nương hay ra đồng cả, trẻ con rụt rè ngó ra từ sau ô cửa sẫm màu.
Toàn cảnh thị trấn Tam Sơn
Đêm Tam Sơn. Ly rượu ngô Thanh Vân uống vào chỉ làm mềm môi, hồng má. Lạnh và cô độc. Tôi cuộn mình trong chăn ấm, lơ mơ với “Ngải đắng mọc trên núi” của Đỗ Bích Thủy, nhớ lại quãng đường dài sũng nước và bồng bênh mây trời vừa đi qua sáng nay.
Ngày tôi rời Tam Sơn,tiếng chày đập lúa từ đáy thung lũng vang lên mơ hồ da diết, nhắc tôi sẽ phải quay lại nơi này, cho dù em đã không còn đứng trên vọng cảnh đài đợi tôi…
MỘC HÀ