Mùa đông cao nguyên chưa năm nào thôi lạnh. Nhưng có một mùa đông Xín Cái thật ấm lòng khi được hòa mình chơi đùa với bọn trẻ miền biên.
Bán hàng thôi – Ảnh: Thủy Trần |
Hà Nội mùa đông. Cái lạnh run run kéo tôi trở về với ký ức mùa đông, nơi những con gió buốt tràn về từ trên đỉnh núi, luồn vào ngôi nhà trống huếch, quẩn chân bên bếp lửa liu riu cháy, không đủ nóng để làm ấm đôi bàn tay không găng.
1. Mùa đông cao nguyên đá, mùa của lạnh giá, khô cằn, mùa không xanh ngô, mùa không tam giác mạch. Có chăng đâu đó còn dăm vạt cải hoa vàng gieo lấy hạt. Mùa tôi đi qua dòng sông Nho Quế, bên kia cây cầu Tràng Hương là con đường đi về Xín Cái hay Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang).
Nước vẫn xanh mà người không còn nữa, lời hứa cùng đi về phía Săm Pun năm xưa giờ đã như nước trôi qua cầu.
Biết đến bao giờ mới lại được nâng chén tiêu sầu trong quán rượu bồi bên dòng sông xanh biếc? Xín Cái – mùa đông năm ấy với những ký ức buồn vui.
Đường lên Xín Cái – Ảnh: Thái Anh |
Đèo Mã Pì Lèng và hẻm vực sông Nho Quế – Ảnh: Thái Anh |
2. Chúng tôi dừng lại trên đường vào Săm Pun và lần đầu tiên nhìn ngược về phía Mã Pì Lèng. Có thể nào tin con đường cheo leo bên kia bờ vực chính là nơi ta đã qua bao lần với biết bao bạn đồng hành.
Một ngày mùa xuân rộn ràng với nhịp chân con trẻ. Một ngày hạ biếc xanh ngăn ngắt mây trời. Một ngày thu mênh mang trong chiều biên ải. Một ngày đông ướt át sương mù giăng kín lối để bước chân người đi vời vợi trên lối về.
Ngã ba đường đi Thượng Phùng – Xín Cái. Bọn trẻ con thấy người lạ hốt hoảng chạy về nhà. Duy chỉ một cô bé ngồi yên trong chiếc hộp giấy giữa những mảnh vụn thừa thãi của thế giới văn minh.
Cô bé ngước ánh mắt trong veo nhìn chúng tôi, không e dè, không xúc cảm. Cái nhìn yên lặng đến thắt lòng. Cậu bé con trong phút ngẩn người cũng đã quay đầu ù té chạy, dù chúng tôi đã tìm cách đến bên các em thật rón rén và nhẹ nhàng.
Ở phía sau lưng, cô bé vẫn ngồi yên trong chiếc thùng cactông nằm chơ vơ bên bờ vực, chiếc khăn đội đầu là thứ duy nhất ánh lên sắc màu giữa mênh mang núi đá và xám xịt đất trời. Chiếc xe đã chạy đi rồi mà dường như đôi mắt trong veo vẫn đuổi theo ám ảnh mãi không nguôi.
Lũ nhóc bên đường – Ảnh: Thái Anh |
Các cô bé ở Trường dân tộc bán trú Xín Cái chơi đồ hàng – Ảnh: Thủy Trần |
3. Sau bao nhọc nhằn xóc lên xóc xuống, cuối cùng chiếc xe cũng tới được đồn biên phòng Xín Cái. Bên cạnh là trường tiểu học và trung học bán trú Xín Cái, nơi trẻ em vùng cao tập trung đi học cái chữ để thoát nghèo.
Ngày cuối năm, một ngày mùa đông. Giáo viên về nghỉ lễ, học trò về thăm nhà. Vẫn còn một số ít các em đang tự chơi trên mỏm đá tai mèo ngay bên cạnh con đường dẫn vào sân trường. Trò chơi đồ hàng của các bé gái xa nhà ở Xín Cái đưa chúng tôi lên tàu quay lại với tuổi thơ.
Không phải những con búp bê váy áo xúng xính, những bộ đồ nấu ăn sặc sỡ như trẻ con thành phố. Mấy cô bé chơi đồ hàng bằng những chiếc vỏ hộp, vỏ lon bỏ đi. Những chiếc nắp chai nhựa được khéo léo “gắn” tay cầm bằng cành cây, que gỗ biến thành muôi múc canh và lửa cháy bùng reo vui để đun đun, nấu nấu, xào xào.
Các em gom góp, nhặt nhạnh bất cứ thứ gì để có thể dùng làm “đồ hàng: nồi, niêu, xoong, chảo”. Quả dại thành thức ăn, lá xanh thành canh, thành rau. Lửa cháy, mùi khói hun nồng nồng, ngai ngái… và nụ cười hạnh phúc tỏa sáng trên những khuôn mặt ram ráp vì nứt nẻ, lấm lem cát bụi.
Niềm vui “củi lửa” – Ảnh: Thái Anh |
Thổi lửa – Ảnh: Thủy Trần |
3. Có chút nghẹn lòng. Nhưng hạnh phúc biết bao khi chúng tôi đun nước nấu mì tôm và pha cà phê bằng chính ngọn lửa “đồ hàng” của các bé gái vùng cao Xín Cái. Lâu quá rồi mới lại được chơi trò chơi bếp núc, thật đến mức cả khách lẫn chủ nhà ai cũng háo hức rộn ràng.
Mùa đông cao nguyên chưa năm nào thôi lạnh. Nhưng có một mùa đông Xín Cái thật ấm lòng khi được hòa mình chơi đùa với bọn trẻ miền biên.
Ấm áp mùa đông Xín Cái – Ảnh: Thủy Trần |