Hành tinh của chúng ta có cơ man nào là núi non trùng trùng điệp điệp, nhưng tuyệt đại đa số chỉ đơn giản là… núi mà thôi. Có một số ít ngọn núi mang tính cách riêng rõ rệt, không chỉ bởi hình dạng độc đáo khác thường mà còn vì uy lực thiêng liêng nó mang trong mình.
Mont Saint-Michel chính là một trong những ngọn núi ấy. Nằm trong thị trấn Avranches ở tỉnh Manche thuộc vùng hành chính Basse-Normandie, Mont Saint-Michel là địa danh thu hút du khách đứng thứ ba của nước Pháp, chỉ sau tháp Eiffel và cung điện Versailles.
Chúng tôi lên đường vào một buổi sáng mùa hè, từ Paris vượt hơn 600 cây số để tận mắt chiêm ngưỡng ngọn núi huyền thoại này. Còn khoảng năm cây số mới đến nơi, nhưng khi xe vừa vòng qua một khúc quanh thì Mont Saint-Michel đã hiện ra với dáng vẻ đơn độc mà uy nghi giữa lồng lộng đất trời.
Độc nhất vô nhị
Bãi đậu xe ngút ngàn từng dãy dài đủ các loại xe của khách tham quan, từ đây mọi người bắt đầu cuốc bộ một khoảng khá xa để đến hòn đảo.
Đang giờ thủy triều xuống, ngọn núi được bao bọc chung quanh bởi bãi cát mịn rộng bao la. Nhiều nhóm du khách hân hoan cởi bỏ giày dép để dạo chân trần, tận hưởng cái thú đầu đội trời chân đạp… cát. Thế nhưng, như đại văn hào Victor Hugo của Pháp từng cảnh báo: “Cát tựa như phụ nữ, mịn màng mà phản trắc”, du khách cũng được yêu cầu phải tránh xa những nơi có cắm biển báo nguy hiểm, nếu liều lĩnh tiếp tục đi thì có thể bị mất mạng do hiện tượng cát sụt nuốt chửng người không để lại dấu vết.
Rồi đến khi thủy triều lên, nước dâng cuồn cuộn biến Mont Saint-Michel thành một ốc đảo giữa biển nước mênh mông. Vì vậy hễ sắp đến giờ triều dâng thì cảnh sát phải vất vả kêu gọi mọi người nhanh chóng lên bờ. Đã xảy ra vài trường hợp chính quyền địa phương phải sử dụng trực thăng để cứu du khách còn mãi nấn ná để rồi cuối cùng chạy không kịp khi triều lên với tốc độ phi mã. Nguy hiểm là vậy, nhưng chính điều này đã làm cho Mont Saint-Michel trở thành nơi độc nhất vô nhị trên thế giới.
Gần đây chính quyền địa phương đã cho xây dựng bãi đậu xe để tạo thuận lợi cho khách tham quan. Một con đường lát đá cũng được hình thành trên bãi cát dẫn ra hòn đảo.
Chúng tôi đến đây đúng vào thời điểm nước Pháp bắt đầu lễ kỷ niệm tu viện Mont Saint-Michel tròn 1.300 tuổi với nhiều sinh hoạt phong phú gồm thánh lễ, hòa nhạc, triển lãm, hội thảo để thu hút du khách đến với Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận hồi năm 1979.
Mười ba thế kỷ đã trôi qua từ ngày đức cha Aubert, tổng giám mục Avranches, cho xây dựng một nhà thờ nhỏ trên đảo vào năm 708, sau khi được Saint Michel, vị thánh đứng đầu các thiên thần, hiện về ba lần báo mộng. Mất trọn một năm trường mới hoàn tất, kể từ đó nhà thờ là nơi lui tới của rất nhiều tín đồ ngoan đạo. Nơi này dần dà mở rộng thành một thành phố nhỏ, được xây dựng chủ yếu phục vụ người hành hương. Mont Saint-Michel là nơi thu hút lượng khách hành hương đứng thứ tư ở phương Tây, chỉ sau Jerusalem (Israel), Rome (Ý) và Saint-Jacques de Compostelle (Tây Ban Nha).
Mới thấy ngày nay thiện nam tín nữ sung sướng hơn nhiều, có thể nhanh chóng vượt hàng ngàn cây số đường bằng xe hơi hay tàu lửa cao tốc, thật khác xa với những con chiên thời xa xưa, vừa khó nhọc đi bộ qua bao chặng đường dài vừa đọc kinh cầu nguyện ơn trên ban cho mình được chân cứng đá mềm để vượt mọi hiểm nguy đến nơi ơn phước.
Năm 1421, một trận hỏa hoạn thiêu hủy hoàn toàn thành phố và nhà thờ. Phải đến khi cuộc chiến tranh suốt trăm năm với người Anh chấm dứt, vào đầu thế kỷ XVI người Pháp mới khởi công xây lại lâu đài với tu viện Saint Michel trên đỉnh. Trải qua nhiều thế kỷ tu bổ và hoàn thiện, công trình kiến trúc gothique đầy tính nghệ thuật này được đánh giá là một trong mười tòa lâu đài đẹp nhất châu Âu.
Với vẻ đẹp tự nhiên vừa lãng mạn vừa cổ kính, Mont Saint-Michel xuất hiện trong nhiều tác phẩm âm nhạc, tiểu thuyết, phim ảnh nổi tiếng như phim hoạt hình của hãng Disney hay bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn…
Bất tận dòng người
Một cây cầu bắc qua hào đưa du khách đến cổng thành để vào bên trong. Ngay sau cổng là hai khẩu thần công ngẩng cao đầu đe dọa, nhắc nhở mọi người chớ quên nơi đây một thời là pháo đài chống ngoại xâm và cũng từng là nhà tù khổng lồ trong Cách mạng Pháp. Các xà lim nhốt tù thời Trung cổ vẫn được giữ nguyên ở dưới hầm sâu của đảo.
Ngày nay Mont Saint-Michel còn là một đơn vị hành chính ngay với cấp xã với đầy đủ cấu trúc của một thị trấn. Vì thế hòn đảo tuy bé xíu nhưng đáp ứng hầu như tất cả nhu cầu của khách phương xa với bốn viện bảo tàng và bưu điện; nằm dọc hai bên con phố hẹp lát đá cổ xưa là khá nhiều khách sạn, dày đặc quán ăn và cơ man cửa hàng bán đồ lưu niệm. Dĩ nhiên hình ảnh ngọn núi thánh là biểu tượng chiếm lĩnh tuyệt đối trên tất cả mọi mặt hàng lưu niệm, được in trên áo pull, trên dĩa gốm sứ, trên bưu thiếp, trên sách giới thiệu du lịch…
Qua khỏi khu thương mại ồn ào, dòng người bất tận nườm nượp trèo dốc, hổn hển leo mấy ngàn bậc thang đá lên tít trên cao, trông hệt như chùa Hương quê nhà vào mùa trẩy hội. Có cảm giác như đám đông vô thủy vô chung này đã mãi miết nối nhau đi từ ngàn năm trước đến tận bây giờ.
Tất nhiên hiếm ai đủ sức đi một mạch lên thẳng tu viện ở điểm cao nhất mà phần lớn dừng chân bên ngoài lâu đài, nơi có sân bãi rộng rãi đủ để cả đội quân tập hợp. Thuở xa xưa nào, đây chính là nơi các hiệp sĩ giáp trụ uy nghiêm của nhà vua luôn túc trực trong tư thế cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với những cuộc tấn công của thù trong giặc ngoài. Giờ đây thì bầu trời xanh trong vắt của ngày đầu hè giúp du khách phóng được tầm mắt nhìn bao quát khắp vùng vịnh thanh bình và yên ả.
Vé vào cửa tu viện với giá 8 euro không ngăn được dòng thác người đổ vào tham quan. Thật tội nghiệp các vị linh mục dòng ẩn tu Bénédictin “đóng đô” hơn mười thế kỷ tại đây phải chịu đựng lượng du khách khổng lồ quấy rầy quanh năm suốt tháng, những lúc cao điểm Mont Saint-Michel thường tiếp đón trên 20.000 người mỗi ngày.
Một chút hụt hẫng
Buổi trưa là lúc các nhà hàng quán ăn hân hoan mở rộng cửa đón dòng người ùn ùn đổ xuống, thất thểu lê bước với túi tiền nặng trĩu và cái bụng trống không.
Mont Saint-Michel có hai món ăn mà nhiều du khách phương xa phải lặn lội đến đây để nếm một lần trong đời cho biết.
Thứ nhất là món “trứng chiên theo kiểu mẹ Poulard” (Omelette à la mère Poulard) đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của ngành du lịch, nay vẫn còn được bán trong cửa tiệm La mère Poulard y như hồi quán trọ này ra đời vào năm 1888 do bà Annette Poulard làm chủ.
Nhưng tại sao trong cái xứ vốn phong phú về thực phẩm này, với gà vịt, ngỗng, cừu, bò từ vùng nông thôn và sò ốc, tôm cá từ biển, lại nổi danh với món… omelette tầm thường? Chẳng qua vì hơn một thế kỷ trước, đó là món dễ làm và đáp ứng mau lẹ nhất cho những khách hành hương đặt chân tới đây bất kỳ thời khắc nào trong ngày, đang cần ngay một món ăn vừa rẻ tiền vừa nhanh chóng sau khi vượt chặng đường dài khó nhọc.
Biết không tranh nổi với tuổi đời hơn thế kỷ của quán La mère Poulard, nên các nhà hàng khác lôi kéo thực khách bằng cách cho biểu diễn món trứng chiên truyền thống thật hấp dẫn. Thay cho bà mẹ Poulard, nay mà còn sống hẳn lụ khụ lắm rồi, là một cô gái xinh xắn mặc y phục thế kỷ XIX đứng chiên trứng trong chảo làm bằng gang rất dày. Ngắm người đẹp má hồng hây hây bên lò than cháy đỏ đằng sau khung cửa kính trong suốt ai mà không muốn vào ăn thử, mặc dù không hẳn sẽ khoái khẩu với món omelette chế biến theo kiểu nửa sống nửa chín nhạt thếch.
Chợt nhớ đến món “rau vợ thằng Đậu” – gồm đủ loại rau luộc chấm với… nước mắm kho quẹt – có lần được thưởng thức trong một nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, mà thầm mong một trăm năm sau món ăn dân dã này cũng sẽ được du khách khắp nơi biết đến, có lẽ tuyệt chiêu hơn món “omelette à la mère Poulard” nhiều lần.
Món thứ hai mới thật danh bất hư truyền, đó là “thịt cừu đồng cỏ muối” (mouton de pré-salé), bởi những con cừu trong vùng được thả cho ăn cỏ trên những cánh đồng ngập mặn ven biển nên thịt săn chắc và đậm đà hơn cừu nơi khác.
Chúng tôi ra về với một chút hụt hẫng trong lòng khi chứng kiến cảnh rộn ràng tấp nập nơi đây. Từ ánh sáng tinh thần chiếu rọi cho cả ngàn năm xưa, ngày nay Mont Saint-Michel phải khoác bộ áo một thị trấn du lịch ồn ào náo nhiệt.
QUẾ PHƯƠNG Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần