Với sự liên kết về du lịch của năm thành phố lớn trong khu vực gồm: TP.HCM, Bangkok, Phnom Penh, Vientiane và Yangon, hi vọng sẽ tạo động lực phát triển cho cả vùng”.
Đó là khẳng định của ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP.HCM, khi đề cập việc quảng bá du lịch tại ITE 2014.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khánh nói:
– Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC) qua 10 năm đến nay đã tạo thành một sự kiện du lịch quốc tế lớn của khu vực tiểu vùng sông Mekong. Sự kiện này có sự hiện diện của bộ trưởng các quốc gia, thị trưởng các thành phố trung tâm du lịch lớn nhất, đại diện các cơ quan xúc tiến du lịch, doanh nghiệp du lịch chuyên…
Từ sự kiện ITE lần đầu năm 2005 chỉ có 83 doanh nghiệp, 45 buyer (người mua), 7 tỉnh và TP tham gia, đến nay đã có hơn 370 doanh nghiệp đại diện đến từ 26 tỉnh, TP, 200 người mua quốc tế, tăng trưởng người mua, người bán…
ITE đã có những hoạt động chuyên nghiệp của người mua, người bán cho lĩnh vực du lịch chuyên phục vụ khách nước ngoài đến (khách inbound), khách đi nước ngoài (khách outbound), sự kiện cho người tiêu dùng…
ITE năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều thị trường khách du lịch hướng vào ASEAN, trong đó nổi bật là thị trường khách Nhật. Đây chính là cơ hội mà các doanh nghiệp VN phải nắm bắt.
Lần đầu tiên các chuyên gia của Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA) sẽ tham gia ITE và thông tin thêm về xu hướng cũng như những kỳ vọng của du khách Nhật với các công ty lữ hành VN và khu vực.
Một xu hướng mới nữa là thị trường du khách đến từ các quốc gia Hồi giáo với hơn 1 tỉ người. Hiện lượng khách Malaysia đến VN tăng trưởng rất nhanh.
Khi tôi trao đổi với 17 doanh nghiệp Malaysia tại thủ đô Kuala Lumpur chuyên đưa khách Malaysia sang VN, họ đều nhận xét VN là điểm đến an toàn và họ không ngờ VN trở thành thiên đường mua sắm với nhiều mặt hàng rẻ, đẹp, dễ mua.
Tuy nhiên thị trường mới này lại có những đòi hỏi riêng do thị hiếu, tín ngưỡng… nên ban tổ chức ITE sẽ tổ chức một hội thảo làm thế nào đáp ứng nhu cầu thị hiếu, hoàn chỉnh sản phẩm dịch vụ của mình để đón dòng khách này.
* Thái Lan và Campuchia đã thống nhất việc triển khai một visa cho du khách nước ngoài đến một trong hai quốc gia này, dự kiến Lào cũng sẽ tham gia. Đề xuất “năm quốc gia một điểm đến” của VN tại ITE đến nay dường như vẫn là ý tưởng?
– Các nước thành viên đang tích cực triển khai nhiều kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch, triển khai thị thực chung, xây dựng sản phẩm liên kết giữa năm nước theo đường hàng không, bộ, thủy, đặc biệt là các tuyến du lịch sông Mekong. Đây sẽ dần trở thành tiêu điểm nổi bật hấp dẫn du khách quốc tế đến với năm nước.
Hiện chỉ còn VN, Myanmar chưa thực hiện được việc này, Lào dự kiến sẽ sớm tham gia cùng Thái Lan và Campuchia trong việc dễ dàng hóa thủ tục nhập cảnh cho du khách nước ngoài đến khu vực.
Myanmar lại tiến nhanh hơn khi đang chuẩn bị áp dụng visa điện tử (e-visa), du khách xin visa chỉ cần đăng ký, được cấp mã, đến biên giới trình mã này ra sẽ được cấp visa ngay.
VN chưa thể làm được vì các đại sứ quán VN ở nước ngoài vẫn muốn có một nguồn thu từ việc xin cấp visa. Hơn nữa khi áp dụng một visa thì cửa ngõ thuận lợi như Bangkok sẽ lấy hết, những điểm đến nhỏ, kém thuận lợi hơn sẽ bị thiệt thòi.
Thái Lan đang miễn visa cho 61 quốc gia và vùng lãnh thổ (miễn đơn phương 49 quốc gia, vùng lãnh thổ).
* Theo ông, làm sao giải quyết được mâu thuẫn này nhưng vẫn thực hiện được ý tưởng “năm quốc gia một điểm đến”?
– Theo ý tôi, tiền nộp phí visa sẽ làm thành một quỹ tạm gọi là quỹ phát triển du lịch khu vực. Tiền này sẽ dùng để phát triển, quảng bá, tiếp thị chung cho năm quốc gia, ai cũng có thể sử dụng cho mục đích phát triển chung du lịch khu vực.
Các quốc gia vẫn có thể thông báo với nhau danh sách các quốc gia hạn chế, thậm chí là cấm nhập cảnh để hạn chế lại việc các đối tượng này ảnh hưởng đến an ninh chính trị của từng quốc gia.
* Người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận dịch vụ, khuyến mãi, tư vấn… nào tại ITE lần này, thưa ông?
– Các hoạt động phục vụ người tiêu dùng là một trong những hoạt động trọng tâm của ITE thông qua Ngày hội người tiêu dùng du lịch nhằm mục đích tạo sân chơi cho doanh nghiệp du lịch và người tiêu dùng du lịch, tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch tiếp cận, giới thiệu về những sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi du lịch, khuyến mãi vé máy bay giá rẻ của các đơn vị có uy tín như: Saigontourist, Vietravel, Hòa Bình, Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific…
Người tiêu dùng có thể tìm hiểu thêm về những chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch, giảm giá ưu đãi đặc biệt cho các chương trình tour du lịch quốc tế và nội địa trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán từ các doanh nghiệp du lịch tham gia sự kiện.
Ban tổ chức sẽ hỗ trợ vận chuyển miễn phí người tiêu dùng du lịch từ trung tâm thành phố đến triển lãm hội chợ.
Dự kiến thu hút 20.000 lượt kháchITE 2014 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13-9 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn, Q.7, TP.HCM, do Tổng cục Du lịch VN và SởVH-TT&DL TP.HCM tổ chức, dự kiến thu hút 200 người mua quốc tế thuộc hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, 100 người mua “nội vùng” (các hãng lữ hành outbound của năm quốc gia) và 350 người bán đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Campuchia, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Đài Loan, Thái Lan, Hà Lan, Anh… dự kiến thu hút trên 20.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế.
Đề nghị miễn thị thực cho 9 thị trường quốc tế Tổng cục du lịch VN (VNAT) cho biết Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch cùng đề xuất Chính phủ miễn thị thực (visa) cho khách du lịch đến từ chín thị trường du lịch tiềm năng của VN, gồm: Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Canada. Theo số liệu của VNAT, khách du lịch quốc tế đến VN có mức chi tiêu bình quân từ 1.200-2.500 USD tùy từng thị trường khách và loại hình du lịch. Mới đây Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu kéo dài thời gian miễn visa cho khách đến từ thị trường Nhật và Nga từ 15 ngày (hiện nay) lên một tháng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho biết chi tiêu trung bình của du khách Nhật là 1.500 USD/người/tour, khách Nga là 2.500 USD/người. Chỉ tính nhóm khách hai quốc gia này đã mang về cho VN 1,4 tỉ USD trong tám tháng đầu năm 2014. |
* Bà Đoàn thị Thanh Trà (giám đốc tiếp thị Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist):Tìm thêm thị trường mới
Chúng tôi nghĩ thông qua ITE cần tập trung quảng bá điểm đến VN gắn với các điểm đến nội vùng trong khu vực. Ở góc độ doanh nghiệp, ngoài việc gặp lại các đối tác cũ để cập nhật tình hình, thảo luận và tìm cách xây dựng thêm những sản phẩm mới hấp dẫn du khách, chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng thêm được các thị trường mới, đặc biệt là nguồn khách từ Nhật Bản, Malaysia… * Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng (phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch quốc tế Kỳ Quan Hạ Long): Giới thiệu sản phẩm du thuyền đặc trưng Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia ITE với kỳ vọng sẽ giới thiệu được sản phẩm du thuyền cao cấp 5 sao trên vịnh Hạ Long cho du khách nước ngoài, đặc biệt là các dòng khách cao cấp, chịu chi tiêu đến từ châu Âu. Chúng tôi kỳ vọng qua ITE sẽ kết nối được với các đối tác đến từ những thị trường này nhằm giới thiệu thêm dịch vụ du ngoạn và nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long với dịch vụ đẳng cấp cao, làm gia tăng thêm giá trị cho các tour nối tuyến từ VN đến các quốc gia trong khu vực. |
Theo Lê Nam- Tuổi Trẻ