Từ đầu tháng 8-2009, chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho phép đưa vào khai thác thử nghiệm bốn tuyến du lịch cộng đồng trên thượng nguồn sông Chảy nằm trên địa bàn huyện biên giới Mường Khương và huyện Si Ma Cai
Theo ông Nguyễn Đình Dũng – phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao – du lịch tỉnh Lào Cai,đây là các tuyến du lịch mới hình thành nhưng bước đầu đã được một số đơn vị kinh doanh du lịch xem xét, khảo sát để cùng địa phương hợp tác đầu tư khai thác.
Hầu hết tuyến du lịch mới này nằm trên cung đường du lịch miền núi phía Bắc Việt Nam (qua các tỉnh Bắc Kạn, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang) có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam do Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) khảo sát, xếp hạng từ năm 2007.
Tuyến du lịch này cũng qua làng bản của đồng bào các dân tộc ít người định canh định cư lâu đời ven sông Chảy trên vùng biên giới Việt – Trung với bản sắc văn hóa độc đáo mà tiêu biểu là lễ hội cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông, Pa Dí, Nùng, Tu Dí, Phù Lá, Dao, Dáy…,các phiên chợ vùng cao nổi tiếng Tây Bắc mở nhiều ngày trong tuần như các chợ Bắc Hà, Mường Khương, Cán Cấu, Pha Long, Cốc Ly, Si Ma Cai… cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dân gian truyền thống như khăn áo thổ cẩm làm bằng tay, hàng chạm khắc bạc…
Tuyến thứ nhất: thành phố Lào Cai – thác nước Tà Lâm – Pha Long – Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương) – Bản Mế (huyện Si Ma Cai) – thành phố Lào Cai.
Tuyến thứ 2: thành phố Lào Cai – Lùng Khấu Nhin – Mường Lum (xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương) – Bản Cầm (huyện Bảo Thắng) – thành phố Lào Cai.
Tuyến thứ 3: thành phố Lào Cai – thị trấn Bắc Hà – Cán Cấu – thị trấn Si Ma Cai – xã Bản Mế – sông Chảy – Cốc Ly – thành phố Lào Cai.
Tuyến thứ 4: thành phố Lào Cai – thị trấn Bắc Hà – Cán Cấu – thị trấn Si Ma Cai – Quan Thần Sán – sông Chảy – Cốc Ly – thành phố Lào Cai.
Theo PHẠM NGỌC TRIỂN – VOV