Khi những cơn mưa rừng đã thưa thớt dần và cái nắng mùa thu óng ánh như mật ong rừng, đó cũng là lúc những đoàn khách du lịch “bụi” ngược núi lên lưng trời để chiêm ngưỡng “mùa thu vàng” trên vùng “thâm sơn cùng cốc” Mù Căng Chải của tỉnh Yên Bái.
Di sản “làn đáy”
Cách thành phố Yên Bái 180km, Mù Căng Chải nằm chơi vơi trên độ cao 1.000m so với mặt nước biển, bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Giữa các dãy núi là các khe suối thuộc lưu vực sông Hồng và sông Đà. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 120.000ha gồm 1 thị trấn, 13 xã với 110 thôn bản, 100% số xã và thị trấn thuộc khu vực III.
Khí hậu nơi đây mang đặc tính ôn đới, với nhiệt độ bình quân trong năm 18,5 độ C nên ngay khi bóng nắng vừa tắt, thì những làn sương khói đã bảng lảng giăng mắc lên núi đồi đem đến cho du khách một bầu không khí thanh khiết, kèm theo một chút lạnh như đang vào kỳ cuối Đông ở dưới xuôi.
Trung tâm huyện lỵ Mù Căng Chải nằm gọn trong lòng thung lũng hẹp dài khoảng 7km. Tháng Chín và tháng 10 là thời điểm đẹp nhất, bởi trên những dãy núi điệp trùng vươn cao lên tận trời xanh, hay ven theo các khe suối đều tràn ngập một màu vàng óng ả do 2.200ha lúa trên ruộng bậc thang mà đồng bào dân tộc Mông gọi là “làn đáy” đang vào kỳ thu hoạch.
Riêng 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình có tới 500ha ruộng bậc thang được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những danh thắng độc đáo bậc nhất của Việt Nam và cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2007.
Đây chính là minh chứng sống động về phương thức canh tác lương thực độc đáo đầy sáng tạo của đồng bào Mông ở Mù Căng Chải nói riêng, đồng bào Mông Tây Bắc nói chung.
Bên cạnh đó, ruộng bậc thang còn chứa đựng trong đó nhiều thông số về giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc mang đậm tính nhân văn tiềm ẩn trong mỗi con người, mỗi thôn bản của vùng đất này. Để đến ngày nay vùng cây khô (nghĩa tiếng Mông của Mù Căng Chải) trở thành những thửa ruộng tốt tươi nối tiếp nhau theo từng bậc thang vươn cao lên tận lưng trời.
Đến với vùng núi mờ sương Mù Căng Chải là để cảm nhận sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp của tình người vùng cao. Đường đến tuy xa và khó đi nhưng bù lại là quang cảnh thay đổi như những thước phim quay nhanh trên đường, từ những thửa ruộng bậc thang đẹp nao lòng, tới những thác nước tung bọt trắng tinh khôi và tiếng róc rách của dòng suối, tiếng gió xào xạc trong rừng cây tạo nên bản nhạc đa âm của đại ngàn. Bên những con đường quanh co uốn lượn trên các sườn đồi, sườn núi bạt ngàn hoa đỗ quyên, cúc dại… đa sắc chẳng khác chốn bồng lai tiên cảnh.
Kỳ vĩ rừng nguyên sinh
Theo lời khẳng định “như đinh đóng cột” của Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Hứa Duy Thắng, ruộng bậc thang của người Mông đã được công nhận là danh thắng quốc gia, nhưng Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh Mù Căng Chải mới là nơi “độc nhất vô nhị” của vùng Tây Bắc với tổng diện tích trên 20.290ha.
Được sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), ngành Kiểm lâm và chính quyền xã Chế Tạo (vùng lõi của Khu bảo tồn) đã có nhiều nỗ lực bảo tồn các loài và sinh cảnh sinh trưởng khá vẹn nguyên và theo hướng bền vững.
Nằm trên dải sơn mạch Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Khu Bảo tồn loài – sinh cảnh Mù Căng Chải nằm trên địa bàn các xã Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải, Dế Xu Phình là một vòng cung tạo thành bởi một hệ thống núi cao từ 1.700 đến 2.500m, bao quanh xã Chế Tạo và vùng đầu nguồn của sông Nậm Chải, đây là khu vực rừng phòng hộ trọng yếu của lưu vực hệ thống sông Đà. Thảm thực vật trong Khu bảo tồn chủ yếu là các loài cây lá rộng thường xanh và cây lá kim như pơ mu, thông tre…
Qua kết quả 3 đợt điều tra của Tổ chức FFI đã thống kê được 788 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 480 chi, 147 họ và 5 ngành, trong đó có 33 loài thuộc diện quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới; trong đó có 2 loài thuộc cấp nguy cấp, 4 loài thuộc cấp bị đe dọa nguy cấp, 7 loài thuộc cấp hiếm; có 190 loài cho gỗ thuộc 54 họ, chủ yếu là nhóm gỗ hồng sắc và tạp mộc.
Cũng tại đây đã điều tra phát hiện có 267 loài cây làm thuốc theo kinh nghiệm của y học cổ truyền dân tộc, những cây thuốc này có thể sử dụng vào các bài thuốc, toa thuốc đông y để chữa trị nhiều chứng bệnh đau xương khớp, bệnh đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh gan, thận, cảm sốt và bệnh ngoài da…
Các đợt khảo sát cũng đã thống kê được 241 loài, 74 họ, 24 bộ động vật xương sống, trong đó có 54 loài thú, 132 loài chim, 26 loài bò sát, 26 loài lưỡng thể, 42 loài động vật quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và 28 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu. Đặc biệt là loài Vượn đen tuyền, hiện tại ở Việt Nam chỉ còn khoảng 120 cá thể, riêng ở rừng Chế Tạo có hơn 60 cá thể; chim có tới 127 loài như gà lôi, gõ kiến, cú mèo, đại bàng; còn khướu có đến 41 loài như khướu vằn, khướu đầu hung, khướu đuôi cụt, khướu lùn đuôi đỏ… nhất là niệc cổ hung, gà lôi tía, voọc xám…
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Lò Văn Hùng cho biết tổng số dân của Mù Căng Chải là 48.656 người, trong đó 90% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho vùng núi cao này một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.
Bằng sự định hướng phát triển kinh tế phù hợp với cơ cấu kinh tế nông-lâm-công nghiệp – dịch vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện Mù Căng Chải đã cân đối được lương thực, thực phẩm tại chỗ; đa số đồng bào đều đã định canh định cư.
Ngoài sản xuất lương thực, người dân còn bảo vệ và phát triển được 10.000 ha thông đã và đang cho thu hoạch nhựa, cộng với mở rộng diện tích trồng cây thảo quả dưới tán rừng và cây sơn tra (táo Mèo) nên tỷ lệ hộ nghèo từ 30% nay đã giảm xuống 15% theo tiêu chí mới./.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+