Lễ hội yến sào (từ ngày 7 đến 14/6/2011) là một trong những chương trình đặc sắc của Festival Biển Nha Trang- Khánh Hòa năm 2011. Dự kiến lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch tham gia.
Đậm bản sắc văn hóa của ngành nghề truyền thống
Khánh Hòa có rất nhiều ngành nghề truyền thống như: đúc đồng, làm nón, làm bún, bánh tráng, đánh bắt hải sản,… Song, lâu đời và có giá trị văn hóa, lịch sử, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cao, rất nổi tiếng là ngành nghề khai thác yến sào. Nghề khai thác yến sào Khánh Hòa ra đời gần 700 năm và không ngừng phát triển. Hiện nay, chất lượng, giá trị thương phẩm của yến sào Khánh Hòa chẳng những được tấn phong tổ yến vua, có giá trị thương phẩm đứng hàng đầu thế giới, mà còn được xem như thần dược đồng hành cùng sức khỏe cộng đồng.
Lễ hội Yến sào Khánh Hòa là lễ hội tôn vinh truyền thống lịch sử ngành nghề, được đa dạng hóa bằng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đương đại nhằm quảng bá giới thiệu với khách du lịch khám phá nét văn hóa độc đáo về vùng đất được nhiều quà tặng của thiên nhiên và con người xứ sở “Trầm hương, Yến sào” hiền hòa thân thiện.
Trong tuần Lễ hội Yến sào, ngoài những hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, lễ cúng Tổ truyền thống tại đảo yến Hòn Nội, Công ty TNHH Nhà Nước MTV Yến sào Khánh Hòa còn tổ chức các hội thảo, như: Hội thảo khoa học “Phát triển quần thể chim yến hàng và tài nguyên yến sào đảo yến thiên nhiên tại các tỉnh duyên hải toàn quốc”; Hội thảo văn hóa lịch sử ngành nghề yến sào “Đề đốc Lê Văn Đạt với sự hình thành và phát triển ngành nghề yến sào Việt Nam”,… Với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà sử học, giáo sư, tiến sĩ các trường đại học, hy vọng ngành nghề yến sào Việt Nam sẽ phát triển mạnh, bền vững không chỉ ở Khánh Hòa mà trên nhiều tỉnh, thành phố có tiềm năng; ngành nghề yến sào Việt Nam sẽ được mọi người dân trân trọng, sử sách tôn vinh lưu truyền.
Đến với lễ hội Yến sào, khách du lịch sẽ được tận mắt tham quan các hang yến thiên nhiên được tái tạo trên bờ biển Nha Trang, được xem những người thợ lành nghề khai thác tổ yến trên những vách đá cheo leo, để thấu hiểu và chia sẻ sự gian nguy của nghề. Cùng với 9 gian hàng giới thiệu sản phẩm, các món ăn bổ dưỡng được chế biến từ yến sào, khách du lịch còn được tận mắt tham quan các công đoạn tinh chế (làm sạch tổ yến) trước khi đưa vào sử dụng,.. Đặc biệt, khách du lịch còn được chiêm ngưỡng rợp trời biểu tượng chim yến gắn trên các trụ điện đường và đèn trang trí của các con đường dẫn ra biển.
Tôn vinh lịch sử ngành Yến sào
Trong thời đại ngày nay, mọi thông tin đều được chuyển tải nhanh, mạnh và rộng trên các báo điện tử và tập kết trên google, yahoo… Thế nhưng, khi tìm hiểu về lịch sử ngành nghề yến sào Khánh Hòa- Việt Nam, tôi vô cùng ngạc nhiên vì trên google lại không có một chút gì về tên tuổi, sự nghiệp của Đề đốc Lê Văn Đạt (thời nhà Trần) và hậu duệ của ông (Lê Văn Quang, Lê Thị Huyền Trâm (thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ) – những tiền nhân được mệnh danh là thủy tổ ngành nghề yến sào Khánh Hòa, người đặt viên gạch đầu tiên, sáng lập ngành nghề yến sào Việt Nam.
Từ thực tế trên chứng tỏ: Mặc dù yến sào (tổ yến) Khánh Hòa được phong Tổ yến vua, nhưng lịch sử của ngành nghề chưa được xã hội tôn vinh đúng mực. Mỗi chúng ta – những người đang thụ hưởng thành quả của tổ tiên để lại đều phải nhìn nhận lại đóng góp của mình vào công cuộc tôn vinh công trạng của thủy tổ ngành nghề yến sào Khánh Hòa – một nghề góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, có giá trị cho sức khỏe cộng đồng và cho nhân loại…
Hơn 10 năm qua, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến Sào Khánh Hòa đã chú trọng đầu tư và thực nghiệm thành công các công trình nghiên cứu khoa học, như: Công trình ấp nở nhân tạo và nuôi chim con qua từng giai đoạn phát triển; Công trình kỹ thuật phát triển hang yến nhân tạo gắn liền với sự phát triển quần thể, dẫn dụ, nhân đàn, di đàn chim yến hàng, … Đây chính là cơ sở, nền tảng phát triển quần thể chim yến hàng (tên khoa học là Aerodramus fuciphagus german, đang có mặt tại Việt Nam, cho ra giá trị thương phẩm cao nhất hế giới) – nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn động vật hoang dã, tăng sản lượng yến sào xuất khẩu theo định hướng bền vững và góp phần quan trọng phát triển ngành yến sào Việt Nam. Với thành công của các công trình khoa học trên, Công ty Yến Sào Khánh Hòa đã được tín nhiệm, gánh thêm trọng trách khôi phục xứ sở loài chim yến ở những nơi gần như suy kiệt, diệt vong như Côn Đảo, Quảng Bình và Phú Yên…
Hội thảo Văn hóa lịch sử ngành nghề yến sào Việt Nam sẽ là nhịp cầu, động thái tích cực thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá tôn vinh ngành nghề yến sào Việt Nam cần được sử sách lưu truyền và là cơ hội cho những nhà viết sử.
Ngành nghề yến sào Việt Nam ra đời 683 năm. Đảo yến Hòn Nội (Khánh Hòa) được xem là một trong những đảo chính có chim yến hàng sinh sống và làm tổ với số lượng bầy đàn đông đúc nhất, nằm cách TP.Nha Trang gần 15 hải lý. Quần thể chim yến hàng ở Hòn Nội chiếm gần 2/3 sản lượng chung. Từ năm 2003 đến nay, vào những tháng trời êm biển lặng, công ty tổ chức đưa khách du lịch đến tham quan đảo Hòn Nội. Nơi đây có bãi tắm thơ mộng, lý tưởng và tràn đầy sức sống. Hàng ngàn đôi chim hải âu kéo về tự tình, trú ngụ xung quanh các hang yến. Ngoài Hòn Nội còn có hàng chục đảo khác trong vùng có chim yến hàng sinh sống và làm tổ như: đảo Hòn Ngoại, Hòn Chà Là, Hòn Đụn, Hòn Cỏ Ống, Hòn Đồi Mồi, Hòn Mụn, Hòn Xà Cừ….
Tôi cùng nhiều đồng nghiệp khác may mắn được ra đảo Hòn Nội vào ngày khai trương đoàn tàu du lịch của Công ty Yến sào Khánh Hòa (nhân dịp Festival Biển Nha Trang đầu tiên – tháng 8/2003). Khi tàu tiến gần đến đảo Hòn Nội, từ xa xa, chúng tôi được ngắm vọng Hải Đài nằm chót vót trên đỉnh Du Hạ. Trên một quần thể đảo nhỏ, những mỏm đá mang hình thù quái lạ như đầu những con hải cẩu vươn ra biển. Tàu cập bến, chúng tôi cuốc bộ theo một lối mòn trên bãi cát dài dẫn đến khu vườn bàng.
Chẳng ai biết chính xác tuổi của những cây bàng ấy, nhưng dáng vẻ oai phong, sum xuê của nó chứng minh: đó là những cây cổ thụ đã trãi qua rất nhiều mùa phong ba bão táp. Trong bóng mát giữa những cây bàng cổ thụ ấy là nơi đặt bia công trạng, tượng Đảo Chủ Thánh Mẫu và đền thờ tổ nghề yến sào. Theo tấm bia ghi lại: Năm 1328, thuyền của đề đốc nhà Trần- Lê Văn Đạt bị bão dạt vào Hòn Tre, ông lập ra thôn Bích Đầm và tìm ra các đảo yến. Nghề yến sào của Khánh Hòa có từ đó.
Năm 1769, ông Lê Văn Quang (hậu duệ của ông Lê Văn Đạt) đình trưởng thôn Bích Đầm đã hiến toàn bộ các đảo yến làm nguồn tài nguyên chính cho nhà Tây Sơn. Bà Lê Thị Huyền Trâm, con gái ông Lê Văn Quang (Đại đô đốc thủy quân Tây Sơn) đã có công lớn trong việc chỉ huy tướng sĩ bảo vệ, khai thác, xuất khẩu yến sào. Khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh mang đại quân ra đánh phủ Bình Khang (tức vùng Khánh Hòa ngày nay), thủy quân Tây Sơn chiến đấu anh dũng, Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm và An phủ xứ Lê Văn Quang, cùng nhiều tướng sĩ đã anh dũng hy sinh vào ngày 10-5 năm Kỷ Sửu (1793). Từ đó, bà Lê Thị Huyền Trâm được nhân dân trong vùng suy tôn là Đảo Chủ Thánh Mẫu, lập đền thờ trên các đảo và ngày 10/5 âm lịch hàng năm Công ty Yến Sào Khánh Hòa tổ chức lễ cúng tổ long trọng trên đảo Hòn Nội, làm lễ tạ ơn sau mỗi mùa thu hoạch.
Tại đây, chúng tôi đã được đến thắp hương đền thờ Tổ nghề yến, được xem clip giới thiệu truyền thống ngành nghề yến sào Khánh Hòa, về đời sống của loài yến trên các đảo và công việc thu hoạch tổ yến gian nguy của những công nhân lành nghề,… Lịch sử oai hùng của ngành nghề yến sào nơi đây như tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh. Chúng tôi leo hàng trăm bậc cấp lên đỉnh Du Hạ, vào vọng Hải Đài trong cái nắng tháng Tám như lửa đốt.
Mặc dù, bao năm qua, Công ty Yến Sào Khánh Hòa đã vun vén truyền thống oai hùng ấy bằng tâm huyết, sức người, sức của không ngừng xây dựng, mở mang nâng niu nhân rộng đàn chim quý… Song, vấn đề trăn trở vẫn còn: Làm sao tôn vinh công trạng thủy tổ ngành nghề yến sào Khánh Hòa- Yến sào Việt Nam; đưa sự nghiệp ngành yến sào Khánh Hòa cũng như ngành yến sào Việt Nam phát triển bền vững, trên tinh thần“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” ???…
Công ty Yến sào Khánh Hòa đã và đang làm tốt vai trò quản lý, khai thác, chế biến và kinh doanh xuất – nhập khẩu trực tiếp sản phẩm yến sào. Hiện công ty đang quản lý và khai thác yến sào trên 29 đảo thuộc vùng biển Khánh Hòa với hơn 130 hang yến lớn nhỏ; triển khai và thực hiện thành công các đề tài nghiên cứu khoa học: ấp nở chim yến nhân tạo, nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ, về di đàn, nhân đàn chim yến,v.v… Công ty đã mở ra một ngành nghề mới trên cả nước: nghề nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ. Đặc biệt, công ty đã chú trọng quản lý, khai thác, nuôi dưỡng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên yến sào; đóng góp lớn vào nguồn ngân sách nhà nước (gần 2.000 tỷ đồng/năm),; sử dụng xấp xỉ 3.000 lao động địa phương…
Để lịch sử và truyền thống ngành nghề yến sào Khánh Hòa cũng như yến sào Việt Nam được giữ gìn, tôn vinh, xứng đáng với công trạng và thành quả mà nó mang lại cho cộng đồng đồng, xã hội, các nhà quản lý kinh tế, quản lý nhà nước cần quảng bá cho mọi tầng lớp nhân dân địa phương – nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm yến sào – hiểu về lịch sử, truyền thống và giá trị của ngành nghề yến sào, về nguồn tài nguyên quý hiếm cần được bảo vệ; bổ sung kiến thức học đường cho thanh thiếu niên, cho mọi tầng lớp nhân dân biết: Chim yến không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước, giải quyết lượng lớn lao động của xã hội, mà còn góp phần tiêu diệt côn trùng gây hại, bảo vệ mùa màng, góp phần làm trong sạch môi trường sống của con người. Hiện nay, Khánh Hòa cũng là địa phương có số lượng chim yến về trú ngụ đông, sản lượng cao nhất nước và có giá trị thương phẩm hàng đầu thế giới.
Khánh Hòa cần kiến nghị Chính phủ đưa việc bảo vệ nguồn tài nguyên chim yến thành pháp lệnh, có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm; đưa loài chim yến thành biểu tượng của xứ Trầm Hương – Khánh Hòa…
Nguồn: Báo Công Thương