Du lịch Thái Lan vào dịp từ 13/4 đến 15/4 hàng năm, bạn sẽ được chứng kiến cảnh tượng người dân đổ ra đường dội nước vào nhau cùng với lời chúc mừng năm mới “Sawasdee Pee Mai!”.
Songkran là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là sự dịch chuyển, hàm ý nói đến khoảng thời gian mà mặt trời di chuyển từ cung hoàng đạo Song Ngư đến Bạch Dương, chu kỳ khởi đầu năm mới theo lịch của người Thái. Lễ té nước Songkran là một truyền thống quan trọng với người Thái Lan, mang ý nghĩa rửa sạch tất cả những điềm xấu và đón chào một năm mới tốt lành. Đó một trong những hoạt động thú vị của người Thái Lan dịp lễ hội té nước Songkran.
Ngày 13/4 được gọi là Wan Maha Songkran, là ngày mặt trời chuyển dịch sang cung Bạch Dương, là ngày cuối cùng của năm cũ. Ngày 14/4 được gọi là Wan Nao, là ngày kết nối giữa năm cũ và năm mới. Ngày 15/4 được gọi là Wan Ta -leung Sok, là ngày đầu tiên của năm mới. Những ngày này cũng là dịp các gia đình Thái Lan quây quần, đoàn tụ bên nhau, tôn kính các bậc cao niên và thắt chặt thêm tình cảm gắn bó keo sơn với hàng xóm láng giềng.
Mặc dù được tổ chức trên khắp đất nước nhưng lễ hội Songkran có đôi chút khác biệt ở các vùng miền của Thái Lan. Chẳng hạn như ở miền bắc Thái Lan, người dân quét dọn nhà cửa, tránh cãi cọ để chào đón năm mới thịnh vượng vào hai ngày đầu tiên của lễ Songkran. Vào ngày 15/4, mọi người trong gia đình sẽ đến chùa dâng lễ, nghe giảng kinh sớm rồi khẩn xin lời chúc tốt lành từ bậc cao niên vào buổi chiều và đi lễ chùa để cầu lời chúc tốt lành từ các vị trụ trì vào ngày hôm sau. Ngày 17/4, làng xóm thể hiện tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau bằng nhiều cách để khép lại dịp lễ năm mới đầy ý nghĩa.
Đối với khu vực Isaan (Đông Bắc Thái Lan), Songkran được gọi là lễ tôn giáo, kỷ niệm tháng thứ 5 vì theo lịch của người Thái, tháng tư là tháng thứ 5 cũng là tháng khởi đầu năm mới. Các nhà sư sẽ đánh trống để báo hiệu một năm mới đến lúc 3 giờ chiều ngày rằm tháng này. Sau đó, người dân chuẩn bị nước thơm tưới lên tượng Phật ở chùa rồi đi thăm viếng ông bà, họ hàng để cầu mọi người ban phước lành. Nghi lễ được nối tiếp bằng một hoạt động thú vị khi mọi người thoải mái tạt nước vào nhau thay cho lời chúc năm mới an lành.
Trong khi đó, ở miền trung Thái Lan, trong suốt 3 ngày lễ Songkran, người dân thực hiện các nghi lễ tôn giáo, làm công đức thông qua việc bố thí, phóng sinh các loài chim, cá với ý niệm rửa sạch tội lỗi đã phạm phải trước đây, thoát khỏi vận rủi và cầu mong sự bình an, hạnh phúc. Người dân cũng rưới nước thơm lên tay các nhà sư, chuyển cát đến chùa và xây một mô hình chùa cát… để cầu xin may mắn, thịnh vượng cũng như tiền bạc dồi dào trong năm mới.
Lưu ý cho du khách tham gia Lễ té nước Songkran:
1. Trang phục gọn gàng, đơn giản, phổ biến là áo phông sẫm màu, quần short.
2. Những thiết bị điện tử, giấy tờ tùy thân khi mang theo cần được để trong túi nhựa khóa kín hoặc mang theo thiết bị chống thấm nước hay tốt nhất là để tại khách sạn. Riêng giấy tờ tùy thân nên mang theo bản photo.
3. Chuẩn bị các “vũ khí” cho cuộc chiến nước thêm thú vị như súng bắn nước…
4. Địa điểm phổ biến của các “cuộc chiến nước” và các hoạt động bên lề:
Bangkok: hoạt động té nước ở đường Khao San, Phra Athit, quảng trường Hoàng gia Rattanakosin, Santhichaiprakan and Wisut Krasat…
Pattaya: hoạt động té nước ở khắp đường phố Pattaya, cuộc thi nhan sắc và tài năng Hoa hậu Songkran.
Chiang Mai: hoạt động té nước ở các đường phố Chiang Mai, lễ rước và tắm tượng Phật nổi tiếng Phra Buddha Sihing, xây dựng chùa cát, cuộc thi sắc đẹp, thưởng thức món ngon quốc tế dọc phố Urban Culture…
Phuket: hoạt động té nước ở Soi Bangla, bãi biển Patong, diễu hành thuyền hoa, Cuộc thi nhan sắc Songkran nhí…
Nguồn dulich.vnexpress.net