Kep là tên người Pháp gọi từ tiếng Khmer là Keb, có nghĩa cái yên ngựa, có lẽ vì dãy núi Kep có hình dạng giống như vậy. Nhưng cũng có người giải thích, tên này từ tiếng Pháp là Le Cap, có nghĩa là mũi đất nhô ra biển, như cách gọi Vũng Tàu trước đây. Từ một thành phố thuộc trung ương của Campuchia, Kep trở thành một tỉnh với 63.000 dân trên diện tích 336 km2 từ năm 2002.
Trước đây, từ tượng Bạch Mã trên quốc lộ 3 vào quốc lộ 32 đi thành phố Kep là con đường rộng chừng 6 m với hai bên đường là cỏ hoang và những chòm cây phượng, còng tỏa bóng. Bây giờ đổi khác đến không ngờ. Con đường mở rộng gấp ba lần, không gợn sóng, xe chạy êm ru. Vẫn còn đó những nền và tường biệt thự được xây dựng thời Pháp đã bị tàn phá dưới thời Khmer Đỏ. Nhưng cây trồng trong những khuôn viên biệt thự xưa xanh mướt làm cảnh quan thơ mộng và hấp dẫn hơn với con đường khi lên lúc thả dốc, uốn lượn quanh quanh. Rồi Kep cũng hiện ra với vài ba ngôi nhà mới xây, khang trang, đẹp mắt bên bờ biển xanh ngút ngát đến chân trời.
Có những mái nhà ngói, biệt thự nằm lẫn sườn núi rậm bóng cây rừng. Lại có các dãy nhà nằm bên chân núi là những nhà khách và nhà hàng liền kề cùng một kiểu, mặt tiền trang trí những giò phong lan, những giỏ hoa treo và những chậu, bồn cây cảnh lá xanh tươi hoặc nở bông nhiều màu đẹp mắt. Trước các nhà khách này là khoảnh sân xi măng rộng, bao quanh bởi những tán bàng sum sê. Các hàng quán êm đềm ẩn trong bóng mát chòm cây. Trong những mái fibro-cement màu ca cao của hàng quán là một “trận địa” những võng là võng nối tiếp cạnh nhau với khách du lịch cuối tuần nằm tán chuyện, nghỉ ngơi sau khi ăn uống thỏa thích.
Trước kia, bãi biển vịnh Kep – phía trước các nhà khách này – chỉ là một bãi đầy sỏi đá. Nhưng sau ngày thành lập tỉnh, bãi biển dài khoảng 500 m ấy đã được trải cát biển thành bãi tắm. Nhờ vậy mà lúc nào nơi đây cũng có khách xuống vui đùa cùng những con sóng từ trùng khơi ùa ập vào. Trên bãi, giữa con đường nhựa là lối đi xi măng đặt những chiếc ghế bố sặc sỡ sắc màu dưới những tán bàng để khách nằm thư giãn, nhắm nháp cà phê hoặc nước giải khát. Nếu muốn thưởng thức chè hoặc món ăn nào đó, có những chiếc xe bán hàng rong phục vụ. Đó là một chiếc xe hình chữ nhật có mái che, gắn một bên vào chiếc xe gắn máy. Xe bán hàng được các thiếu nữ Khmer chạy xuôi ngược trên con đường này. Khi có khách, các cô dừng xe, tắt máy, quay người vào quầy hàng, pha chế. Gọn gàng và tiện lợi.
Từ đây nhìn về hướng Bắc thấy pho tượng Srey Sor trắng toát, cao to cuối bến tàu. Theo truyền thuyết, nàng Sor có chồng đi đánh cá. Mấy ngày sau không thấy chồng về, nàng ra bờ biển ngóng đợi rồi chết trong tư thế ngồi. Cảm thương tấm tình chung thủy của nàng, người ta đắp tượng để tưởng nhớ. Ngày rằm tháng Chín hàng năm, người ta cúng kiến rồi thay cho nàng “bộ đồ mới” là dải lụa đỏ quấn quanh người. Xế chiều, từ tượng Srey Sor nhìn về hướng Tây cuối vịnh là một cảnh quan đẹp. Mặt trời đỏ lựng từ từ chìm khuất trong bóng tối của cây rừng nơi mũi núi nhô ra biển. Ánh sáng của một ngày tàn nhuộm đỏ mặt biển hòa vào từng con sóng nhấp nhô.
Con đường ven biển dài 5-6 cây số chạy luồn qua những tán bàng cổ thụ giao cành. Biển xanh một bên gợi cảm nhè nhẹ vỗ, đã đẹp, lại càng đẹp hơn với những ngôi biệt thự sang trọng ẩn lưng chừng núi bên kia đường, được chăm chút bằng từng loài hoa kiểng, trang trí theo phong cách nhà vườn với bể bơi và nhà hàng phục vụ ẩm thực phong cách châu Âu và Khmer. Đặc biệt, trên một dốc cao có biệt cung của Shihanouk nhìn ra biển – thời ông còn trị vì vương quốc này trước năm 1970.
Đến Kep, ai cũng háo hức thăm chợ hải sản do phần lớn người Chăm kinh doanh. Những hàng quán chen sát nhau dưới những tán dù nhiều màu trong bóng mát của những cây dừa lão. Mùi các loại hải sản chín vàng trên bếp than hồng tỏa thơm khắp không gian, mời gọi. Đó là những món ngon mà bất cứ du khách nào cũng muốn được thưởng thức. Không ngon sao được khi chúng còn sống, được đưa lên từ những túi lưới ngâm trong sóng biển sát bờ trước khi chế biến. Hải sản càng ngon hơn khi được ăn kèm với tiêu tươi hoặc ngâm nước muối (người Campuchia gọi “ớt tiêu”). Vị cay của nó hẳn nhiên ngon hơn ớt vì mang hơi ấm nồng. Nhưng đặc sắc là cua, nhất là ghẹ. Hải sản loại nào cũng ngon và rẻ. Chợ còn bán nhiều mặt hàng lưu niệm để khách mua đem về nhà ghi dấu chuyến đi chơi xa hoặc làm quà cho người thân. Đầu chợ có tượng thần Vina cầm cung tên. Ngoài cửa rào vào chợ có hai tượng thần Sư tử, như thường thấy ở bất cứ công trình lớn nào trên đất nước Campuchia. Người Khmer đặt tượng thần Sư tử ngoài hàng rào nhằm bảo vệ các nơi quan trọng và tôn nghiêm.
Đến Kep mà không ra chơi hòn Con Thỏ (Rabbit Island) là một thiếu sót lớn. Hòn Con Thỏ cách bờ khoảng 30 phút đi tàu trên mặt biển lặng yên. Tại hòn đảo rộng khoảng 5 cây số vuông, khách sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn đúng nghĩa. Không xe cộ, không tiếng động phố thị, không hàng rong phiền lụy… Chỉ có tiếng sóng biển rì rào và tiếng rừng dừa xạc xào ru âm. Bước từng bước chậm rãi trên bãi cát vàng, nghe bàn chân ấm mát. Mướn chiếc cần câu móc mồi ngồi làm Lã Vọng đã thú. Mướn thuyền chèo, bơi loanh quanh mặt biển, thăm hòn Dừa, hòn Gừa nằm kế bên. Dù nhỏ hơn hòn Con Thỏ nhưng cũng quyến rũ. Vùi mình trong làn nước biển xanh càng thú hơn. Nhưng khoái nhất vẫn là mang kiếng lặn và ngậm ống thở lao mình xuống lòng biển sâu. Thế giới thủy cung mê hoặc với từng bầy cá đủ màu sắc bơi lượn quanh ta. Lên bờ, vào một bungalow nhỏ nhắn thư giãn với món massage… Khỏe người!
Kep còn nhiều điều thú vị khác cần được khám phá. Trong đó có tượng con ghẹ khổng lồ nằm trên mặt biển gần bờ, là biểu tượng đầy hãnh diện của địa phương. Gần cầu cảng Kep là tượng nữ thần Sophi cầm đàn. Thần Vina và thần Sophi là hai vị thần bảo vệ đất nước Campuchia. Khi có quân xâm lược, thần Vina bắn tên, còn thần Sophi gảy đàn sẽ đánh tan kẻ thù. Tượng thần Sophi là điểm cuối của cung vịnh biển đẹp nhất Campuchia và là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đây cũng là nơi cách biên giới Việt Nam trên vịnh Thái Lan chỉ vài cây số.
Theo sgtiepthi.vn