Le Caire (tiếng Anh gọi là Cairo), thủ đô của Ai Cập, hiện nay là thành phố du lịch ở Bắc Phi thu hút du khách thế giới đông nhất châu Phi, nhờ có các kiến trúc cổ từ thế kỷ thứ 10 đến 19 được khôi phục lại trong vòng 15 năm qua.
Công cuộc khôi phục này do anh em nhà Karim Age Khan (tỉ phú thuộc dòng họ quí tộc Al-Mu’izz lâu đời ở Le Caire) hợp tác với chính phủ Ai Cập thực hiện từ năm 1992 đến nay, và vẫn còn tiếp tục.
Trong quá trình khôi phục các di tích kiến trúc cổ, các nhà khảo cổ, kiến trúc sư Ai Cập và quốc tế không những phục hồi gần như nguyên trạng các kiểu mẫu xưa, mà còn tạo thêm môi trường cây xanh, nước sạch chung quanh hoặc gần các kiến trúc này, khiến cho Le Caire vốn khô nóng đang dần trở thành một nơi xanh mát, lý thú. Chẳng hạn như gần cổ thành Saladin (thế kỷ 12) được phục chế, nay người ta xây dựng một công viên cây xanh rộng hơn 30 hécta, với nhiều hồ nước nhân tạo rất mát mẻ, du khách trong và ngoài nước vô cùng thích thú.
Trung tâm Le Caire có nhà thờ Hồi giáo Al-Mu’ayyad xây từ thế kỷ 15, rất vĩ đại, xuống cấp từ lâu, nay được phục chế hoành tráng, sừng sững uy nghi.
Giữa khu dân cư đông đúc vùng đông bắc Le Caire, người ta phục hồi một bệnh xá lớn xây từ thế kỷ 14 (năm 1386), cho thấy ngành y tế xa xưa của Ai Cập khá là phổ cập.
Có những công trình cổ với các cột đá đồ sộ chạm khắc rất đẹp, cho thấy tài nghệ người Ai Cập xưa.
Để phục hồi gần như nguyên vẹn các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, xây dựng cổ của Ai Cập, các nhà phục chế đã hết sức tỉ mỉ và cẩn thận, nhờ đó đã giúp cho du khách thích thú tìm lại dấu nghệ thuật, văn minh xưa ở Le Caire, một thành phố được xây dựng từ năm 969, cách nay 1.038 năm!
Du khách chắc chắn không khỏi kinh ngạc khi thăm đền thờ Hồi giáo Ibn Tulun, xây từ hồi mới xây dựng Le Caire, mà nay vẫn còn sắc cạnh với các nét kiến trúc, chạm trổ tinh vi.
Văn minh Ai Cập thuộc vào loại cổ xưa và kỳ vĩ nhất nhân loại. Sau các kim tự tháp, Le Caire đang là điểm thu hút du khách thế giới đến Ai Cập ngày một đông đảo.
Nguồn báo Công an TP.HCM