Đường lên dãy Tà Xùa bắt đầu từ bản Tà Xùa (xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Từ trung tâm huyện vào bản Tà Xùa chừng 7km. Ngày khô ráo thì không đến nỗi nhưng ngày mưa, tuyến giao thông độc nhất xuống huyện này là thách thức với khách du lịch .
1 Những ngôi nhà của người Mông ở bản Tà Xùa đều làm rất to và rộng. Nhà của Phàng A Vảng, người dẫn đường cho chúng tôi, cũng vậy. Nền đất cao ráo, vách toàn bằng gỗ, ngô gác trên mái, khoai sắn chất trong góc nhà. Mùa xuân đầy sức sống trên những cây mận nở hoa trắng xóa nhưng trời vẫn rét và đầy sương mù bao phủ.
Bên bếp lửa bập bùng, Phàng A Vảng đang ngồi tẽ ngô. Ông bố khoảng 36-37 tuổi này có bốn con và con gái lớn nhất đã đi lấy chồng. Cô bé út mới 2 tuổi, vừa khỏi ốm dậy, lúc chân đất chạy quanh nhà, lúc nép sau lưng bố hoặc ôm cổ chị tò mò nhìn đoàn khách lỉnh kỉnh balô, đồ đạc.
Vừa rời bản, đường lên đỉnh Tà Xùa bắt đầu trơn và dốc cũng là lúc bắt đầu vào đến rừng. Đây là con đường bà con trong bản vẫn đi rừng lấy gỗ, đánh bẫy, hái các loại quả. Nhiều đoạn dốc cao quá đầu không có cả chỗ đặt chân, đành phải bám rễ hoặc cành cây leo lên. Dưới tán cây sương vẫn phủ mờ mịt, xóa nhòa ranh giới giữa mọi người. Không còn phân biệt miền núi và vùng xuôi, không còn phân biệt tiếng Kinh hay tiếng Mông nữa. Con đường mòn bám quanh sườn núi đá cứ thế lúc lên lúc xuống. Thỉnh thoảng có những đoạn vách đá chồm ra, tạo thành những vòm hang lớn, người đi rừng thường dùng để nghỉ đêm tránh mưa gió, sương lạnh.
2 Càng lên cao các đỉnh núi bắt đầu lộ dần. Dãy Tà Xùa, ranh giới tự nhiên giữa Yên Bái và Sơn La như lời A Vảng nói, có ba đỉnh cao. Đỉnh cao nhất là nơi dựng cột cờ VN, đỉnh thứ hai có gốc cột cờ dựng từ thời Pháp. Đỉnh cao thứ ba nằm giữa, là nơi tạm nghỉ để lên tiếp hai đỉnh kia.
Nắng chiều vàng, trời xanh ngắt và mây trắng mênh mông. Không phải mây ở trên cao mà là biển mây giăng kín dưới thấp. Góc nhìn có lẽ chỉ ngồi trên máy bay mới thấy, nhưng khi ngồi trên máy bay thì không thể hít căng gió vào lồng ngực và hét vang trời vang núi.
Chiều xuống rất nhanh. Chúng tôi cắm lều ở độ cao khoảng 2.200m. Xung quanh là một bầu trời đầy sao và gió thổi cuồn cuộn khắp mọi hướng. Chiếc lều to vừa dựng lên, chưa kịp chốt xuống đất nhoáng một cái đã bị cuốn bay mất. Gió mạnh, củi khô, lửa nhóm lên cháy bừng bừng. Bữa tối có thịt gà, canh rau cải luộc và muối. Nồi cơm nấu hơi cháy, gạo xấu, canh rau chỉ toàn muối nhưng đói và mệt nên ai cũng ăn ngon lành.
Trăng bắt đầu nhô lên, biển mây bạc bừng sáng. Lửa ấm, đủ thú vị để đun thêm một ca cà phê nóng. Không phải tự nhiên mà trẻ con đứa nào cũng thích nhóm lên một đống lửa và thả vào một cái gì đó để đốt. Tình yêu hoang dại ấy vốn có sẵn trong tất cả mọi người, để bất cứ khi nào cũng có thể cháy bừng lên…
3 6g sáng. Nắng tách qua làn mây rọi xuống thành từng luồng sáng. Xung quanh vẫn là một biển mây trắng với những đỉnh núi lô nhô lúc lặn lúc ngụp trong mây. Sau bữa sáng, mọi người đi tiếp con đường cắt qua các đỉnh núi trọc lóc lác đác những gốc thông non mới trồng lại. Ở đây, đất được chia cho các hộ dân để trồng thông. Mỗi hecta nếu trồng xong được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng. Nhà A Vảng năm vừa rồi nhận trồng 1ha. Những cây thông non xanh mướt như minh chứng hùng hồn sự sống ngầm chảy nơi vùng đất hẻo lánh của Tổ quốc.
Đường dốc dựng đứng. Đi thêm khoảng 100m thấy không đủ sức, một số anh em đành quay lại vị trí dựng lều đêm qua ngồi đợi. Bốn người còn lại tiếp tục leo lên đỉnh. Từ đây chỉ có con đường chênh vênh, mỏng manh như sống mũi ngựa vắt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Nhiều đoạn như được rắc một lớp đá trắng, loại đá màu trắng rất đặc trưng gợi nhớ câu chuyện cổ tích Na Uy về Hansel và Gretel, với con đường có những viên đá trắng lấp lánh dưới ánh trăng.
4 Đến vách đá dựng đứng khoảng 20m, không có đường nối sang đỉnh bên cạnh nên mọi người phải lần vách núi đu xuống. Cứ ngửa mặt lên trời mà lần, tuyệt không dám nhìn xuống dưới sâu hun hút. Mải miết thêm một giờ rưỡi mới tới được độ cao 2.500m. Từ đây, muốn đi tiếp một trong đỉnh cao nhất tối thiểu phải thêm một ngày. Nhìn lại đoạn đường gập ghềnh trên sống núi chon von, chúng tôi quyết định chỉ lên tới điểm cao thứ ba đó. Càng lên gần đỉnh, các bụi cây càng dày và rậm. A Vảng chỉ một bãi phân gấu khô. Ở bản Tà Xùa, mọi người vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện một gã trai Mông trong bản, người từng bị gấu tát mất mũi, cắn nát tai mấy năm trước…
Bám theo vách đá, leo thêm một giờ nữa, 11g30 cả bốn lên được đỉnh cao 2.650m. Xung quanh lúc này là một biển mây trắng nhấp nhô những đỉnh núi phủ xanh. Tất cả ngập tràn niềm vui, lấy giấy bút ra ghi lại thời điểm, tên bốn thành viên cho vào hai lần túi nilông hàn kín rồi chôn xuống đất ở vị trí bằng phẳng nhất trên đỉnh. Từ đây bước một chút là đã sang đất Sơn La…
HOÀNG HÀ MAI