Chùa Tổ (Phúc Nghiêm tự) thuộc làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, thuộc quần thể chùa Tứ Pháp của đất Phật Luy Lâu và là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay.Địa điểm du lịch dành cho du khách đam mê khám phá.
Chùa là nơi thờ Phật mẫu Man Nương, gắn liền với truyền thuyết về đức Khâu Đà La- một vị tổ của đạo Phật. Tương truyền, vào đời Hiến Đế nhà Hán (168 – 189), vị Thánh tăng Khâu Đà La trong hành trình giảng đạo đã đến vùng đất cổ Luy Lâu. Đến đây, Khâu Đà La được một phật tử tại gia tên là Tu Định cung thỉnh ở lại. Sư đã nhận lời về nhà Tu Định ở. Tu Định sai con gái lo thắp đèn và dọn cơm cho sư. Độ một tháng sư ngỏ ý ra đi.
Một hôm, sau khi quét dọn cửa chùa, Man Nương thiếp đi ngay lối ra vào. Đức Khâu Đà La đi giảng đạo về thấy vậy không nỡ đánh thức mà bước qua người cô. Man Nương sau đó thụ thai và 14 tháng sau sinh hạ một bé gái.
Sư Khâu Đà La đưa bé đến gửi vào một cây đa. Về sau, bị mưa bão đánh đổ xuống sông, cây trôi dạt về làng Dâu. Dân làng xô nhau ra kéo nhưng không thể đưa được cây vào bờ, Man Nương biết chuyện liền ra sông. Nhờ có sự giao cảm của tình mẫu tử, nàng quăng dải yếm ra và kéo được cây vào bờ trước sự kinh ngạc của mọi người.
Thân cây cổ thụ được người đời tạc thành bốn vị thần Tứ Pháp gồm Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tương ứng với mây, mưa, sấm, chớp và được thờ tại chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng và chùa Dàn trong vùng Luy Lâu… Đó chính là nguồn gốc của hệ thống Tứ Pháp trong vùng.
Chuyện xưa còn truyền rằng, khi tạc đến khúc giữa của cây thì rừu của những người thợ chạm vào một hòn đá. Chính là hiện thân của hài nhi được Khâu Đà La gửi gắm, hòn đá phát sáng rực rỡ. Hòn đá ấy chính là Phật Thạch Quang, được đưa về thờ tại chùa Dâu.
Sau đó, Man Nương được tôn làm Phật Mẫu – Mẹ Phật của Việt Nam. Ngôi nhà của cha mẹ Man Nương được biến thành chùa, theo tục “hoá gia vi tự” (nhà hóa chùa), và ngày 8/4, ngày mất của Man Nương là ngày giỗ Mẫu- ngày của phồn vinh, ân huệ. Từ đó ngôi chùa này được gọi là chùa Tổ…
Với những huyền tích kì bí và niên đại 2.000 năm tuổi, chùa Tổ gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là nơi xuất hiện sớm nhất các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ như giếng nước, chuông, khánh đồng, bia đá và nhiều bản khắc gỗ. Tuy vậy, sau nhiều thế kỷ biến động, quy mô và kiến trúc của chùa không còn giữ được sự nguyên bản như thuở xưa.
Chùa Tổ ngày nay là một trong những ngôi chùa nổi tiếng mà khách du lịch không nên bỏ qua khi du ngoạn Bắc Ninh. Hội chùa được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng Hai Âm lịch hằng năm là một hội lớn của vùng, thu hút đông đảo đệ tử Phật giáo và du khách thập phương về trẩy hội.
Dưới đây là một số hình ảnh Đất Việt ghi nhận về chùa Tổ:
Trải qua nhiều thế kỷ,kiến trúc chùa tổ đã có nhiều thay đổi so với ban đầu. Công trình kiến trúc hiện còn đến ngày nay mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Chùa có bố cục chữ “công” với tòa tam bảo xây kiểu “bình đầu bít đầu” phía trước có hai cột đồng trụ đắp quả giành.
Tam bảo được chia thành hai công trình liền kề nhau là Tiền đường và Phật điện, sắp xếp theo bố cục hình chuôi vồ.
Công Tam quan bề thế là một trong những dấu tích cổ ít bị hư hại trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hệ thống tháp gạch cổ kính là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vị sư tổ từng tu hành và viên tịch tại chùa.
Chùa còn lưu giữ được một quả chuông đồng thời Tây Sơn, cao chừng 100cm , chu vi miệng là 160cm.
Giếng nước trước sân chùa.
Chùa Tổ gắn với sự tích về nàng Man Nương cách đây gần 2.000 năm. Đây cũnglà nơi in ấn nhiều kinh sách nhà Phật ở thế kỷ 18, 19.
Nguồn: Báo Đất Việt