Cách Hà Nội 80km về phía Nam, khách du lịch sẽ đến Kẽm Trống (xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn), đây là một danh thắng độc đáo được tạo ra bởi sông Đáy là ranh giới giữa Hà Nam – Ninh Bình. Năm 1962, Kẽm Trống được công nhận là một di tích thắng cảnh quốc gia.
Những dãy núi quanh Kẽm Trống có nhiều hang động. Nhưng được nhắc đến nhiều nhất trong đó là Địch Lộng. Nơi này nổi tiếng bởi ngoài vẻ đẹp của động, còn có một khu đình chùa cổ kính. Quần thể động – chùa Địch Lộng đẹp tới mức đã được vua Minh Mạng ban tặng cho 5 chữ “Nam thiên đệ tam động”, có nghĩa là động đẹp thứ ba ở trời Nam.
Tương truyền, vào năm 1739, một tiều phu đi kiếm củi, leo lên núi đã phát hiện ra cửa động. Khi vào trong, thấy có nhiều nhũ đá đẹp, đặc biệt trông thấy một nhũ đá có hình giống như tượng Phật nên lập bàn thờ Phật ở đó. Đến năm 1740 thì hình thành chùa.
Nói Động – Chùa Địch Lộng là nói gọn, chứ thực ra tại đây còn có đình với 16 cột đá nguyên khối, nên còn gọi là “đình đá”; có đền thờ Lý Quốc Sư; hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng; ba gian chùa Hạ, ở gian giữa có treo cuốn thư chữ Hán “Lưu Ly Bảo Điện” nói lên sự quý giá của ngôi chùa…
Từ Chùa Hạ qua phủ Đức Ông, tiếp tục leo lên thêm 105 bậc đá nữa sẽ đến hang động khiến bạn không thể không sửng sốt trước sự kỳ diệu của tạo hóa và sức tưởng tượng vô biên của con người. Trên cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động, Cổ Am tự” là tên “cúng cơm” của Động – Chùa Địch Lộng.
Hai bên cửa động có hai tượng Hộ Pháp, trên mái vòm hang đá cao 8 mét treo quả chuông nặng gần một tấn, được đúc từ thời nhà Nguyễn. Sân trước động có phủ thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu. Cũng tại đây, hai “giếng ngọc” quanh năm đón những giọt nước từ nhũ đá liên tục nhỏ xuống mát rượi, có tượng ông Thiện, ông Ác cưỡi trên sư tử.
Đứng tại “sân” này, phía bên phải là ngôi chùa có “mái” là vòm hang cao khoảng 20 mét, sâu khoảng 30 – 40 mét với khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Đặc biệt là 3 pho tượng Tam Thế Phật sơn son thiếp vàng được ban vào thời vua Thiệu Trị và tượng Phật Bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối.
Trong động Địch Lộng còn có hang Tối và hang Sáng. Hang Tối nằm ở phía trái. Vào hang, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi khối nhũ đá to, tròn, nhẵn lì mọc từ nền hang nhô lên. Tục truyền, đó là bầu sữa mẹ của tạo hoá. Từ trên nóc động, có nhiều nhũ đá chảy xuống trông giống như những cột chống trời.
Tại đây, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào cõi trùng điệp của đá với đủ mọi hình dáng ngoạn mục. Mỗi không gian của vách động, trần động là một bức tranh nghệ thuật, những nét chạm khắc tuyệt vời của thiên nhiên, đạt đến mức tinh xảo mà con người không thể nào làm được.
Đi hết hang Tối là đến hang Sáng. Ở trên cao, cửa hang Sáng thắt hẹp lại. Một khoảng lộ thiên, khi có gió thổi mạnh vào trong động phát ra âm thanh của đá nghe như tiếng sáo. Vì vậy động mang tên là Địch Lộng, nghĩa là ống sáo thổi gió. Điều độc đáo ở hang Tối và hang Sáng là các thạch nhũ, lấy đá gõ vào thì lanh lảnh như tiếng chuông.
Đó là những thạch cầm của thiên nhiên. Đặc biệt hơn nữa là những dải nhũ đá trong hang lấp lánh bảy sắc cầu vồng và mầu sắc thay đổi theo ánh sáng mặt trời.
Cùng với nét đẹp mê hồn, Động – Chùa Địch Lộng còn là di tích lịch sử trong kháng chiến chống Pháp và là nơi điều trị cho các nạn nhân của bom đạn Mỹ những năm chiến tranh ác liệt.
Nguồn: Báo Hà Nam