Được xem là khu vực có ngành du lịch ngày càng phát triển, với địa hình đa dạng, cảnh sắc phong phú… Đông Dương đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách ưa khám phá, mạo hiểm.
Đặc biệt, với những người đi du lịch bằng xe máy, những cung đường uốn lượn theo các triền núi hay dọc theo các bờ biển, khi là khu đô thị nhộn nhịp lấp lánh ánh đèn, khi là những bản làng xa xôi hẻo lánh, hay những đoạn đường đi chỉ có ánh trăng soi đường… tất cả đều mang đến những cảm nhận thú vị hấp dẫn.
Việt Nam và Lào: Cảnh tượng hùng vĩ
Đường Hồ Chí Minh nổi tiếng đã và đang được nâng cấp, chạy dọc đất nước, nối hai miền Nam Bắc. Đây cũng là tuyến đường có những cảnh đẹp hùng vĩ. Trường Sơn Tây với khoảng 253km, kéo dài từ Khe Sanh trở ra Bắc tới Công viên quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thực sự rất đẹp, trong đó có cả một khu vực rộng trước đây là đường băng bí mật trong rừng cho những chiếc máy bay chiến đấu MIG trong thời gian chiến tranh.
Ở Việt Nam, Hà Giang là biên giới cuối cùng cho những người đam mê khám phá bằng xe máy tại Đông Dương. Hà Giang, cực Bắc Việt Nam, với những ngọn núi đá cao lưng trời, nối tiếp nhau dài vô tận, bên thung lũng và sông, suối là những bản làng yên bình, song cũng rực rỡ sắc màu từ những bộ trang phục của người dân tộc thiểu số. Ấn tượng nhất là đoạn từ Đồng Văn tới Mèo Vạc, qua đèo Mã Pì Lèng. Tên đèo có nghĩa là “Sống mũi ngựa”, nối Mèo Vạc với Đồng Văn, vốn là hai xã xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang. Đèo dài khoảng 20km, chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng trùng điệp điệp. Những ngọn núi màu xám chì, hùng vĩ nối nhau đến tận chân trời. Xa xa là dòng sông Nho Quế dịu dàng vắt mình như một tấm khăn choàng mỏng manh. Từ trên cao nhìn xuống, thấy con đường vừa đi như một con rắn trườn lượn mình vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. “Phượt” bằng xe máy trên những cung đường này, hãy nhớ bám sát đường, không được mạo hiểm rời mắt khỏi đường đi cho dù cảnh vật bên đường có thể khiến bạn phải nín thở.
Tuy nhiên, muốn đi đến những khu vực xa xôi hẻo lánh tại Hà Giang, bạn sẽ phải có được sự cho phép chính thức từ các cơ quan chức năng. Nếu vẫn quyết tâm đi khám phá mà chưa có giấy phép, tình cờ “chạm trán” với bộ đội biên phòng đang tuần tra, bạn sẽ trở thành những vị khách bất đắc dĩ của cơ quan công an địa phương.
Nếu yêu thích phong cảnh bờ biển, bạn hãy “cưỡi” xe máy theo Quốc lộ 1. Khi đi qua một số thành phố lớn, có thể bị ùn tắc, song tại rất nhiều đoạn đi qua vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư với những bãi biển trải dài với cát trắng, nắng vàng, biển xanh và những rặng phi lao hay những rặng dừa rì rào trong gió. Đến khu vực đèo Hải Vân, đừng đi hầm đường bộ dù có thuận tiện, nhanh chóng. Hãy thử cảm giác vi vu xe máy cùng gió trên ngọn đèo được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Thật vậy, từ Nam chí Bắc, không có nơi nào đèo cao chênh vênh, cảnh đẹp lung linh, huyền ảo như Hải Vân. Đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây. Chỉ căn cứ vào tên gọi, cũng đủ hình dung Hải Vân là thế giới của gió và mây.
Loại xe thông dụng nhất, đặc biệt thích hợp với địa hình núi, được dân du lịch mạo hiểm ưa thích chính là xe Minsk, ngoài ra, Vespa, Honda Cub cũng được sử dụng. Dọc đường đi, du khách có thể chủ động dừng chân tại bất kỳ nơi nào, thưởng thức đặc sản vùng miền và nhớ đừng quên những món đồ lưu niệm nơi ta đã qua.
Quay trở lại với đường Hồ Chí Minh, các tay lái kinh nghiệm có thể khám phá những dấu tích của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trước đây đoạn dọc theo biên giới với Lào. Một vài chiếc xe tăng rỉ sét và bãi chiến trường bị bỏ quên nằm rải rác trong rừng già Nam Lào. Một chuyến đi kết hợp những di tích mang dấu ấn lịch sử với một số bản làng của Lào giáp Việt Nam như Salavan hay Attapeu quả là thú vị.
Campuchia – đường số 66
Campuchia từ lâu được xem như “thánh địa” cho những người đam mê du lịch bụi bằng phương tiện cá nhân (cả xe đạp và xe máy), bởi hệ thống đường giao thông đầy thử thách và không hề bằng phẳng. Nhiều tuyến đường đã được nâng cấp trong thập niên trước, nhưng vẫn còn nhiều đoạn đường trên đất nước này có những ổ gà có kích thước một lỗ gôn hoặc lớn hơn và chỉ trải nhựa từng đoạn.
Bắt đầu từ đường số 66, quốc lộ có từ thời kỳ Angko cổ xưa chạy về phía Đông từ Angkor qua Beng Mealea tới khu đền rộng lớn Preah Khan. Những cây cầu đá cổ xưa từ thời Jayavarman VII hiển hiện như những cột mốc lịch sử dọc theo đường đi, trong đó không thể không nhắc đến cây cầu Spean Ta Ong với hơn 20 nhịp cầu.
Hoặc có một cách khác là đi theo tuyến đường của Charley Boorman, người đã khám phá Campuchia bằng xe máy vào năm 2008. Những khúc đường quanh co, khúc khuỷu dọc theo dòng Mekong hùng vỹ qua những ngôi làng truyền thống vùng Kompong Cham và Kratie trước khi chuyển hướng lên vùng Mondulkiri và Ratanakiri (Đông Campuchia). Trước đây, những cánh rừng già ở miền Mondulkiri và Ratanakiri vốn được coi là thiên đường của hằng hà sa số trâu rừng và voi rừng. Hiện thời, WWF ước tính ở khu vực này còn sót lại khoảng 30 – 50 con trâu rừng. Du lịch bằng xe máy ở vùng này cần chú ý đến “Cung đường tử thần” nối Koh Nhek – Mondulkiri với Lumphat – Ratanakiri, nhiều tay lái kinh nghiệm cũng bị mắc kẹt với những con đường lầy lội bùn đất hay cát đá.
Và đừng quên dãy núi Cardamom ở phía Tây Nam Campuchia với những cánh rừng già nhiệt đới, phía Đông Bắc Lào, với Cánh đồng Chum nổi tiếng hay những hang động ở Vieng Xai – giống như địa đạo Củ Chi bằng đá, rồi đồng bằng sông Mekong… Tất cả đang chờ đón những chuyến phiêu lưu bằng xe gắn máy của những tay lái ưa mạo hiểu, khám phá.
Nguồn: Báo Lào Cai