Tối 9/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng với các bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Càphê Việt Nam, Tổng Công ty Càphê Việt Nam và Ủy ban Nhân dân các tỉnh khu vực Tây Nguyên như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng đã tổ chức Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 năm 2013, với chủ đề “càphê Buôn Ma Thuột liên kết, phát triển”.
Tham dự lễ hội có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng 27 đoàn khách quốc tế, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và hàng vạn đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Mục đích của việc tổ chức Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 là tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển càphê bền vững trong thời kỳ mới, quảng bá sâu rộng về Chỉ dẫn địa lý “càphê Buôn Ma Thuột,” nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột…
Lễ hội tập trung quảng bá hình ảnh Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung, đồng thời cũng là cơ hội để tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 có 13 nội dung chính, như triển lãm chuyên ngành càphê và sản phẩm thương hiệu Việt, hội thảo về giá trị gia tăng của càphê trong chuỗi sản xuất và chế biến càphê, lễ hội đường phố, hội thi pha chế càphê, đi tìm Đại sứ càphê Việt Nam và các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật khác…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương những thành tích mà ngành càphê Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã đạt được. Với sản lượng càphê xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới, càphê Việt Nam đã đến với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn càphê nhân.
Niên vụ càphê 2011-2012, cả nước đã xuất khẩu được gần 1,6 triệu tấn. Năm 2012, càphê là một trong những mặt hàng của cả nước có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh (trên 36%), đạt 3,4 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu càphê đứng đầu thế giới. Sản xuất, chế biến càphê theo hướng bền vững là hướng thoát nghèo, làm giàu cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Trong thành quả chung đó có sự đóng góp không nhỏ của càphê Buôn Ma Thuột- Đắk Lắk. Với hơn 300.000ha đất đỏ bazan, khí hậu thích hợp, cây càphê Đắk Lắk có các điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển. Hiện nay, với hơn 200.000ha, sản lượng trên 400.000 tấn càphê nhân, càphê đang là sản phẩm chủ lực của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 700 triệu USD và Buôn Ma Thuột được xem là “thủ phủ càphê” của cả nước.
Trong những năm tiếp theo, càphê vẫn là một ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnhLễ hội càphê Buôn Ma thuột lần thứ 4 năm 2013 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với ngành càphê Đắk Lắk mà cả ngành càphê Việt Nam. Đây là hoạt động văn hóa, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch có quy mô quốc gia, đồng thời, cũng là dịp để khách du lịch trong nước, bạn bè quốc tế chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ và bản sắc văn hoá dân tộc đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đến thăm Bảo tàng tỉnh, Hội chợ triển lãm chuyên ngành càphê, Công ty càphê Trung Nguyên.
Lễ hội càphê Buôn Ma thuột lần thứ 4 kéo dài từ nay đến ngày 12/3./.
Theo: Du lịch Việt Nam