Nằm khuất dưới tán lá rừng lặng lẽ, bên dòng sông Ea H’Leo và trên một khoảnh đất bằng phẳng thuộc xã Ea Rôk (huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk), tháp Chăm Yang Prong là một di tích có giá trị về mặt lịch sử – văn hoá và là một điểm du lịch lý thú ở Tây Nguyên.
Hiện nay, tháp Yang Prong đứng trước nguy cơ dễ bị nước sông Ea H’Leo cuốn trôi. Nguyên do là hơn một năm nay xảy ra tình trạng người dân đổ xô khai thác cát xây dựng trái phép trên đoạn sông Ea H’Leo, đe dọa sự an nguy của khu di tích có một không hai trên Tây Nguyên này.
Nhiều điều khó lý giải
Tương truyền, tháp được xây dựng vào thế kỷ 13, là ngôi mộ của người đứng đầu làng Chăm xưa kia, tên Yang Prong – tiếng dân tộc có nghĩa là Thần Lớn (Yang: thần, Prong: Lớn). Đến thứ kỷ 19, cụ thể vào năm 1906, người ta thấy ở trên khung cửa đá của tháp có những dòng bia ký cổ của vị vua Chăm trị vì vào cuối thế kỷ XIII, cũng như những dấu tích vật chất quanh Yang Prong lại chứng tỏ đây vốn là một khu thành trì dinh thự xưa của người Chăm ở Tây Nguyên.
Theo người dân địa phương, xét về kiến trúc, địa hình và quan điểm xây dựng của người Chăm, thì tháp Yang Prong lại có rất nhiều chi tiết huyền bí chưa thể lý giải. Thứ nhất, tháp có một cửa chính nhìn về phía Đông, ba mặt tháp còn lại đều là cửa giả, chắc là để trang trí (?). Tháp cao khoảng 9m, phần đế cao 1m, mỗi cạnh dài khoảng 5m, phần thân tháp là một khối trụ vuông cao chừng 4m, phần đầu của tháp hơi phình ra, rồi thu nhỏ, thon dần lại như củ hành – khác hẳn với các kiến trúc Chăm thường thấy.
Thứ hai, tháp nằm chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp và bên dòng sông Ea H’Leo hiền hòa. Đây được xem là điểm khác thường trong việc chọn vị trí xây tháp của người Chăm bởi thông thường, các tháp đều được xây dựng trên đồi cao, thoáng đãng, không bị che khuất tầm nhìn.
Thứ ba, tháp Yang Prong chắc chắn là một công trình còn dang dở, bởi lẽ khi xây dựng tháp, đồng bào Chăm không bao giờ xây một cái mà thường là một quần thể.
Tuy nhiên, giống như những ngôi tháp Chăm khác, tháp Yang Prong được xây dựng bằng vật liệu truyền thống là gạch nung và bằng chất kết dính đặc biệt, mà người Chăm cổ vẫn dùng; vì thế không hề có dấu vết của những mạch vữa.
Di tích kêu cứu
Ngày 3/8/1991, tháp Chăm Yang Prong đã được Bộ Văn hóa – thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Và hàng năm, vào những dịp lễ tết, bà con các dân tộc trong vùng vẫn đến đây hương khói, cúng tiến… cầu mong mọi sự an lành.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, hiện tháp Yang Prong đang ở vào tình trạng rất nguy kịch. Nếu tình trạng khai thác cát trái phép không được ngăn chặn triệt để thì chỉ hai hoặc ba mùa mưa lũ nữa, tháp sẽ bị cuốn trôi. Chưa kể, khu di tích văn hóa kiến trúc cấp quốc gia này do không có người quản lý, bảo vệ, tu bổ nên đang xuống cấp nghiêm trọng. Thân và đỉnh tháp đang bị rễ cây rừng ăn sâu, làm tường nứt nẻ, bong tróc nhiều phần, quanh chân móng đá bị nứt vỡ nham nhở…
Ông Bùi Đức Nguyệt , Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Rốk, bức xúc cho biết: Khi xã ra quân ngăn chặn thì các đối tượng khai thác cát chuyển sang địa bàn xã lận cận, chính quyền địa phương đành chịu. Xã đã nhiều lần kiến nghị Ủy ban Nhân dân huyện cùng với xã bạn là Ia Lơi cần sớm có biện pháp phối hợp ngăn chặn nhưng vẫn chưa được trả lời cụ thể.
Nguồn: Đất Việt