Thác Cửa Thần hay còn gọi là thác Ba Tầng thuộc địa phận xã Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng. Khởi hành từ Đà Lạt, khách du lịch theo đường rừng vào xã Tà Nung, rồi vượt lên 800m đường nữa thì gặp thác Cửa Thần.
Đứng dưới một thung lũng sâu, cỏ lau ngập đầy, cây cối hoang sơ, ngước nhìn lên, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một dòng thác cao khoảng 20m đang cuồn cuộn đổ xuống. Đó là thác Cửa Thần, nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp gắn liền với một giai thoại thú vị.
Chuyện kể rằng vùng đất này xưa kia được bà con bộ tộc SRê chọn làm nơi sinh sống, họ sống du canh du cư. Có lần đến mùa giáp hạt, thiếu cái ăn, cả Bon (Bon là đơn vị cư trú của người SRê) phải sống trong cảnh đói nghèo. Với trách nhiệm của mình, vị già làng đã một mình lặn lội khắp núi rừng để săn bắt, kiếm cái ăn cứu sống con em Bon. Sau nhiều ngày vất vả không kiếm được gì, già làng dừng chân, gối đầu lên tảng đá bên dòng thác cuồn cuộn để lấy lại sức.
Bỗng ông ta phát hiện một vị thần chói lọi đứng trên đỉnh cao của thác từ lúc nào không hay! Vị thần đã dẫn già làng xuống vách núi được tạo dựng bởi hai bờ đá cao thẳng đứng, nhìn từ trên cao ta có cảm tưởng như một cánh cửa đá khổng lồ vừa được hé mở. Vừa qua hết vách đá là một hồ nước khá rộng… vị thần bỗng dưng biến mất! Tại đây, già làng đã bắt được rất nhiều cá mang về kịp thời cứu đói cho Bon. Kể từ đó bà con bộ tộc SRê gọi dòng thác này là Liang Mpông Yàng – có nghĩa là Thác Cửa Thần.
Nếu cứ tiếp tục ngược theo dòng suối chính, ngược dòng thêm khoảng 200m, vượt qua ghềnh đá cheo leo, luồn mình qua những lùm cây nguyên sinh, nước vẫn cuồn cuộn trải mình trên nền đá hoa cương… Vừa khi thấm mệt du khách lại được tận hưởng vẻ đẹp của một thác nước thấp hơn, nhưng rộng hơn và cũng êm ả hơn mang tên Liang Pe KBít – Thác Khát vọng – theo bà con đó là tên của một loài cá có cánh chuyên sống nơi thác ghềnh, cứ mỗi chiều xuống nó lại búng nhảy lên mặt nước để ngắm nhìn vẻ đẹp của đất trời và để tận hưởng cái không khí trong lành của núi rừng thiên nhiên…
Nếu có một “vị thần” nào đó biết khai thác thì sẽ biến vùng đất này trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hóa dân tộc bản địa rất hấp dẫn. Hiện tại con đường từ thác Cam Ly dẫn về Tà Nung đã được trải nhựa rất thuận tiện để du khách đặt chân đến khám phá và chinh phục vẻ đẹp của thiên nhiên và đời sống của bà con bộ tộc Srê giữa đất trời Nam Tây Nguyên này.
Nguồn: NTO