Ngày 8/3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết dự án hợp tác “Phát triển du lịch bền vững ở Di sản thế giới Mỹ Sơn” giữa Việt Nam và Italy và Hội thảo “Lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững – Chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình Quảng Nam”.
Từ năm 2002, dự án hợp tác ba bên giữa UNESCO, Italia và Việt Nam đã thành công trong việc hoàn tất khảo cổ và trùng tu các tháp G3, G5 và G1 thuộc quần thể nhóm tháp G của di sản Mỹ Sơn và đào tạo đội ngũ chuyên viên, kỹ thuật của Việt Nam áp dụng quy trình và chuẩn mực quốc tế trong khảo cổ trùng tu. Đồng thời, dự án cũng đã nghiên cứu thành công vật liệu và chất kết dính trong kỹ thuật xây dựng của người Chămpa cổ, tư liệu hóa toàn bộ các cụm đền tháp tại Mỹ Sơn, phân loại hiện vật đã khai quật trong quá trình khảo cổ, xây dựng một khung thuyết minh diễn giải, và xuất bản cuốn “Hướng dẫn Nghiên cứu khảo cổ và trùng tu tháp Chăm”.
Dự án hợp tác “Phát triển du lịch bền vững tại Di sản thế giới Mỹ Sơn” do Chính phủ Italy tài trợ, UNESCO phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện được ký kết lần này sẽ củng cố và phát huy các kết quả đã đạt được trước đó. Dự án dự kiến thực hiện trong 2 năm 2012, 2013 sẽ tiếp tục công việc trùng tu nhóm tháp G (tháp cổng G2, khu tường bao) và nâng cấp hệ thống thuyết minh diễn giải tại khu di sản đáp ứng được yêu cầu của công chúng. Với cách tiếp cận mới này, dự án sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững của Mỹ Sơn và cả cộng đồng sống quanh di sản.
Sau lễ ký kết, Hội thảo “Lồng ghép văn hóa và du lịch hướng tới phát triển bền vững – Chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình Quảng Nam” đã diễn ra nhằm giới thiệu những kinh nghiệm thành công trong quá trình xây dựng chiến lược “Lồng ghép văn hóa và du lịch hướng tới phát triển bền vững”, kế hoạch dựa vào cộng đồng để phát triển du lịch và bảo tồn di sản.
Tại Hội thảo, các đại biểu của tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình “Lồng ghép văn hóa và du lịch hướng tới phát triển bền vững”. Theo đó, từ năm 2009, UNESCO đã hỗ trợ chính quyền tỉnh Quảng Nam xây dựng chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch hướng tới phát triển bền vững. Chiến lược này được xây dựng dựa trên phương pháp tiếp cận tổng thể đối với cả hai phương diện, phát triển du lịch bền vững và bảo tồn các di sản và giá trị văn hóa. Trong chiến lược này, cộng đồng địa phương sinh sống xung quanh khu vực các điểm di sản Hội An, Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đóng vai trò trung tâm. Phương pháp này đã giúp các nhà hoạch định chính sách xác định được các biện pháp cụ thể và có tính bền vững để kết hợp hài hòa vấn đề bảo tồn di sản trong hoạt động phát triển du lịch.
Những kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo được các nhà khoa học đánh giá là có thể áp dụng ở các điểm di sản thế giới, các khu dự trữ sinh quyển thế giới và các khu bảo tồn tại các tỉnh khác của Việt Nam
Nguồn: ĐCSVN