Với độ cao hơn 1.500m, Hòn Bà (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) được ví như là Đà Lạt của Khánh Hòa bởi khí hậu ôn hòa và những thảm rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Vài năm gần đây, Hòn Bà đã trở thành một địa điểm được nhiều bạn trẻ ưa thích mạo hiểm lựa chọn để đi du lịch.
Hòn Bà cách Nha Trang khoảng 30km đường chim bay, còn đi đường bộ phải hơn 60km. Từ Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Suối Cát, huyện Cam Lâm), khách rẽ vào con đường nhỏ sát chân núi (cạnh hồ Suối Dầu) để bắt đầu hành trình chinh phục Hòn Bà. Con đường 37km từ Suối Dầu lên đỉnh Hòn Bà với những khúc cua cùi chỏ sẽ thỏa mãn đam mê đối với những người ưa mạo hiểm. Mỗi khi dừng chân tạm nghỉ, khách du lịch thỏa thích phóng tầm mắt về phía xa để chiêm ngưỡng một bức tranh muôn màu của đồng quê vùng Diên Khánh, Cam Lâm. Càng lên cao, khí hậu càng mát mẻ, cảnh vật hoang sơ với tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách. Hai bên đường, những vạt rừng nguyên sinh với bạt ngàn thân cây cao. Điều du khách dễ bắt gặp đó là những đám sương mù vướng vào các thân cây to sừng sững đứng án ngự trên triền dốc. Vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên đã mời gọi du khách vượt khó khăn để đến với Hòn Bà.
Cùng với hành trình đó, khách du lịch có thể hồi tưởng con đường bác sĩ A.Yersin đã khám phá Hòn Bà năm xưa. Theo tài liệu của Bảo tàng Yersin, năm 1915, bác sĩ Yersin đã đi ngựa từ Suối Dầu (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) lên đỉnh Hòn Bà. Tại đây, ông đã cho xây dựng một ngôi nhà gỗ để ở và gieo trồng các giống cây mới, trong đó có cây canh kina để điều chế thuốc chống sốt rét. Ngoài ra, ông còn lập trạm quan trắc để nghiên cứu khoa học… Bây giờ, du khách đến Hòn Bà vẫn thấy ngôi nhà gỗ 2 tầng có diện tích 11,4m x 8,7m của bác sĩ Yersin (được phục chế năm 2004) cùng những dấu tích như: chuồng nuôi ngựa, cây trà cổ thụ…
Bên cạnh những dấu tích gắn liền với bác sĩ Yersin, Hòn Bà còn hấp dẫn khách du lịch bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà kỳ vĩ. Theo các nhà khoa học, ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà có khoảng 592 loài thực vật bậc cao, 255 loài động vật, trong đó có 41 loài thực vật và 59 loài động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ. Về thực vật, có thông 2 lá dẹp, pơ mu, gõ đỏ, trắc dây, mun; riêng động vật có các loài như: voọc chà vá chân đen, vượn bạc má… Bởi vậy, khách du lịch đến với Hòn Bà thường đi sâu vào rừng để khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên. Tiếng gió thổi, tiếng hót của chim muông… đã tạo nên một bản giao hưởng thiên nhiên tuyệt vời. Nhiều bạn trẻ đến Hòn Bà bởi niềm đam mê được chụp ảnh những cánh rừng già, những con chim nhiều màu sắc… hay được ngắm thỏa thuê những đóa hoa rừng. Đặc biệt, một số du khách đến Hòn Bà đã ở lại đêm để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của núi rừng, để thấu cái lạnh của sương núi khi đất trời vào đêm. Có người bảo rằng, Hòn Bà đẹp nhất vào buổi sớm mai khi mây sà xuống thấp, phủ trên những cánh rừng già, những tia nắng đầu tiên chiếu qua kẽ lá; nhưng cũng có người cho rằng Hòn Bà đẹp nhất vào buổi hoàng hôn với những vạt nắng chiều loang trên những vạt cỏ tranh, với mặt trời “treo” trên đầu cây cổ thụ. Mỗi người một ý, nhưng tất cả đều thừa nhận Hòn Bà là một điểm du lịch kỳ thú!
Bây giờ, Hòn Bà không còn xa lạ với du khách. Trên các diễn đàn du lịch rất dễ dàng thấy các bạn trẻ thường rủ nhau lập nhóm đi dã ngoại ở Hòn Bà. Hầu hết những người đến Hòn Bà đều để lại những cảm nhận rất ấn tượng về vùng núi này. Ngành du lịch Khánh Hòa đang có dự định đẩy mạnh việc khai thác tiềm năng du lịch Hòn Bà – điểm đến hấp dẫn bên cạnh vẻ đẹp của biển Nha Trang. Chỉ mong khi ấy, Hòn Bà vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của mình!
Nguồn: Báo Khánh Hòa