Ngày nay, bên cạnh cái ồn ào, tấp nập của một Hà Nội đang ngày ngày phát triển,“làng” Hồ Khẩu trở nên thật đặc biệt, mà nhiều khách du lịch mạo muội dùng cụm từ “làng trong phố”.
Làng Hồ Khẩu thuộc cụm dân cư số 1 và số 2 phường Bưởi (quận Tây Hồ) tức phủ Phụng Thiên xưa, vẫn bảo tồn được khá đầy đủ các di sản văn hóa vật thể của một làng cổ thịnh vượng xưa nằm kề ngay dưới chân kinh thành Thăng Long.
Tục truyền, dân đã sinh cơ lập nghiệp, thành ấp Hồ Khẩu ngay thời Hùng Vương. Làng Hồ Khẩu xưa nổi tiếng có nhiều người học hành thành đạt ra làm quan, trong đó dòng họ Lý lâu đời có ba người đỗ Hương cống đầu thời Nguyễn. Hai anh em Lý Văn Phức, Lý Văn Hảo cùng đỗ khoa Kỷ Mão đời Gia Long (1819). Em của hai ông là Lý Văn Loát đỗ khoa Tân Tỵ đời Minh Mạng (năm 1821).
Trong ba anh em thì Lý Văn Phức nổi tiếng hơn cả, làm quan đến Tả Tham tri bộ Hộ, từng được cử đi sứ sang Trung Quốc. Song trước hết ông nổi tiếng trong vai trò một nhà văn hóa với các bài diễn ca nói về đạo hiếu. Tên của ông được đặt cho một đường phố ở khu vực sân vận động Hà Nội.
Dân làng Hồ Khẩu có nghề làm giấy dó từ rất lâu đời. Tục truyền nghề này có từ giữa thời Lý (đầu thế kỷ XII), do ông Thái Luân đưa nghề đến cho bốn làng vùng Bưởi là Yên Thái, Đông Thọ, Đông Xã và Hồ Khẩu.
Sở dĩ nghề giấy du nhập vào đây sớm vì làng nằm ven hồ Tây, ven sông Hồng và sông Tô, tiện lợi cho việc tập kết nguyên vật liệu là các loại cây gỗ từ vùng núi và trung du chuyển về, cũng tiện lợi cho việc ngâm vật liệu để chế biến thành giấy
Sản phẩm của nghề giấy ở đây lúc đầu là giấy bản và giấy moi, đến đầu thế kỷ XVII dân làng cải tiến kỹ thuật làm được giấy sắc để nhà vua dùng vào việc viết sắc phong cho thần, phong chức tước cho quan lại, viết chiếu, chỉ.
Làng có ngôi đình được dựng năm Kỷ Mùi niên hiệu Hoằng Định (1619). Đình thờ Cống Lê và Cá Lễ, tương truyền là hai anh em sống vào thời Hùng Vương, có công đánh giặc giữ nước, đến thời Lý lại âm phù Vua Lý Thái Tổ phá tan giặc. Có thuyết nói đình còn thờ cả Thái Luân – ông tổ nghề giấy. Cạnh đình xưa có Văn chỉ để thờ Khổng Tử và những người đỗ đạt của làng.
Làng có ba ngôi đền là đền Thăng Long (Chính Đức từ) thờ Huỳnh Nương công chúa là con Vua Thủy Tề. Đây là một biểu hiện của tục thờ nữ thần và thờ Mẫu của người Việt. Cách đền không xa là đền Vệ Quốc thờ Cá Lễ, tương truyền là chồng của bà Huỳnh Nương. Đến nay còn có tên gọi là miếu Giáp Đông vì đền do giáp Đông (một tổ chức, nơi tụ tập nam giới) của làng trông coi. Chếch vào phía trong làng chừng 300 mét là đền Dực Thánh, còn gọi là miếu giáp Bắc vì miếu do giáp Bắc của làng trông coi, thờ Cống Lễ.
Làng còn có nhiều chùa, trong đó chùa Thanh Lâu (tên Nôm là chùa Sãi) nổi tiếng hơn cả. Chùa nhìn ra Hồ Tây trông rất nên thơ. Chùa được dựng vào đầu thời Lê – Trịnh. Trong chùa còn quả chuông lớn đúc năm Cảnh Thịnh thứ bảy (1799).
Làng hiện còn bảo tồn được ba đền, hai chùa, một đình và sáu nhà thờ của các dòng họ lớn gộp lại thành một cụm di tích văn hóa làng. Trong đó, một số di tích được Nhà nước xếp hạng, (như chùa Sãi được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử danh thắng Phật giáo nổi tiếng của Hà Nội…) đã góp phần hoàn thiện nét đẹp cổ xưa của ngôi làng bên Hồ Tây thơ mộng.
Ngày nay, bên cạnh cái ồn ào, tấp nập của một Hà Nội đang ngày ngày phát triển, bên cạnh những ngôi nhà thiết kế hiện đại, dường như “làng” Hồ Khẩu trở nên thật đặc biệt, mà nhiều người mạo muội dùng cụm từ “làng trong phố”. Làng Hồ Khẩu có hai cổng: Cổng Giáp Bắc và cổng Giáp Đông.
Ngoài ra còn một cổng nữa có tên Hồ Ấp đình môn. Trước đây, Hồ Ấp là cổng của đình làng Hồ Khẩu, nhưng từ khi chợ làng hoạt động ngay tại đây nên cổng còn có một tên nôm là cổng Chợ.
Ngày nay, cổng làng Hồ Khẩu không đơn thuần chỉ là cái cổng mà nó dường như còn là vật ngăn cách 2 thế giới đối lập nhau. Cánh cổng làng sập lại, nhịp sống hối hả, xô bồ của đô thị hầu như biến mất, thay vào đó là một không gian thật thanh bình. Ở đó, có những ván cờ tướng ấm tình hàng xóm giữa buổi trưa yên ả, có những bà cụ bán hàng với mái tóc gội “nước thời gian” và những bức tường gạch loang lổ sắc thời gian. Điều quan trọng hơn cả là làng vẫn duy trì được nếp sống văn hóa cơ bản của một làng xưa, cả về tâm linh và văn hóa cộng đồng, qua hai kỳ hội làng cùng với các ngày kỵ thánh, kỵ tổ nghề và ngày giỗ tổ của năm dòng họ.
Nguồn: Báo Quê Hương