Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho đủ dạng địa hình: biển, rừng, sông, núi, hang động…Nếu khai thác lợi thế, Quảng Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.
Với địa hình đa dạng, Quảng Bình là điểm du lịch hấp dẫn với đủ loại hình du lịch: Biển, rừng, lịch sử, sinh thái, mạo hiểm…Tuy nhiên, việc khai thác, phát huy lợi thế mới đang bước đầu được thực hiện.
Phong Nha-Kẻ Bàng còn khiêm tốn so với tiềm năng
Với hơn 300 hang động lớn nhỏ, vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (PNKB)- di sản thiên nhiên thế giới đã trở thành địa chỉ du lịch không thể thiếu của du khách khi đến Quảng Bình. Song, so với các di sản khác như Huế, Hội An, Hạ Long thì lượng khách nước ngoài đến Phong Nha- Kẻ Bàng còn thấp.
BQL Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng có 4 tuyến phục vụ du khách là động Phong Nha- Kẻ Bàng; Sông Chày- Hang tối; Hang tám cô và Động Thiên đường. Trong đó, hiện, động Thiên đường là điểm hút khách nhất.
Ông Hoàng Hải Vân- Phó Giám đốc BQL Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng cho biết: Năm 2010, chỉ có khoảng 10 ngàn lượt khách quốc tế đến với vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Đặc biệt, thời gian gần đây lượng khách còn có xu hướng giảm nhẹ. Lý giải điều này, theo ông Vân, là do sức hút của động Thiên Đường- động mới, đẹp đi vào khai thác, phục vụ du khách. Động Thiên đường nằm trong quần thể Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng song đã được giao cho Công ty TNHT Trường Thịnh đầu tư, khai thác và quản lý. Đây là động được Tổ chức Hang động Hoàng gia Anh đánh giá là một trong những hang động đẹp và dài nhất thế giới. Với giá vé 120 ngàn/lượt người lớn (gấp đôi giá tham quan vườn Phong Nha- Kẻ Bàng) và giá ô tô điện 150 ngàn/xe 6 người song du khách vẫn nô nức kéo đến động Thiên đường. Ông Vân thừa nhận: “Động Thiên đường hút khách hơn bởi tính mới, lạ và cách đầu tư tốt hơn”.
Đây là thực tế cho thấy, dù có thiên nhiên ưu đãi phải có đầu tư bài bản mới có du lịch chuyên nghiệp, mới tạo ra lợi nhuận. Nhưng đó lại là điều mà vườn Phong Nha- Kẻ Bàng đang thiếu. Ông Vân cho hay: “Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, lưu niệm… mới đang phát triển tự phát, chưa có sự đầu tư bài bản. Số lượng phòng nghỉ tại đây chỉ đáp ứng được 10% lượng khách đến. Bởi vậy, dù cảnh đẹp, dù hang động kỳ thú, nhưng du khách chỉ đến xem trong ngày rồi lại quay về TP Đồng Hới”.
Đó là điều đáng tiếc trong khi nhu cầu ở lại thưởng thức không khí rừng núi nguyên sinh, hang động và khí hậu mát lành tại khu vực của du khách là rất lớn. Bên cạnh đó, trong vùng phụ cận của vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng còn nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác. Ông Vân cho hay: “Nhiều điểm di tích lịch sử, nhiều bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống gần đây có thể đưa vào khai thác phục vụ du lịch song chúng tôi chưa làm được. Ví dụ, đời sống văn hóa của cộng đồng người Rục- chỉ còn 500 người; hang động người Rục từng sống; Suối nước Moọc; Hang Én; Hang Sơn Đoòng…”.
Tuy nhiên, cái khó của những người làm du lịch tại đây là vì chưa có quy hoạch cơ sở hạ tầng nên chưa thể kêu gọi đầu tư. Mà quy hoạch hạ tầng lại không nằm trong tầm tay của những người làm du lịch. Bởi thế, du lịch của tỉnh tiềm năng nhiều, nhưng chưa khai thác được.
Thêm một hướng đi
Hiện nay, nhắc đến Quảng Bình, không thể không nhắc đến Sông Chày- hang Tối; hang Én; hang Sơn Đoòng; động Thiên Đường… Đó cũng chính là những cái tên khiến Quảng Bình được cả thế giới biết là địa danh có “Hang Sơn Đoòng- Hang động tự nhiên lớn nhất thế giới”; “Thiên đường- động có cầu gỗ dài nhất Việt Nam”… Theo ông Nguyễn Văn Kỳ- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Bình, những hang này (ngoài Sơn Đoòng chưa đưa vào tour) đều rất thu hút du khách. Quảng Bình chú trọng du lịch sinh thái, văn hóa và du lịch mạo hiểm để thu hút du khách quốc tế và du khách trẻ.
Du lịch khám phá, mạo hiểm đang là hướng đi mới của Quảng Bình
Hang Sơn Đoòng được mô tả có chiều rộng 200 mét, cao hơn 150 mét, dài ít nhất là 6,5 km (do điều kiện kỹ thuật giới hạn, các nhà thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh không thể đi hết chiều sâu của hang để xác định hang dài bao nhiêu).
Ngoài ra ở một số đoạn hang Sơn Đoòng còn có kích thước lớn tới 140m x 140m, trong đó có các cột nhũ đá cao tới 14m, có đoạn hang có bề rộng khoảng 91,44 m, vòm hang cao gần 243,84m- có thể chứa lọt một tòa nhà cao 40 tầng. Trong hang các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một dòng sông ngầm dài 2,5 km và có cả những cột nhũ đá cao tới 70m và cả một khu rừng nguyên sinh được các nhà thám hiểm đặt tên là vườn Địa đàng. Dự kiến, tháng 6/ 2012, một phần của hang động lớn nhất thế giới này sẽ được đưa vào tour du lịch.
Hang Tối là một nhánh của hệ thống hang động Phong Nha, có chiều dài 5.258m, cao 80 m. Khung cảnh của động còn nguyên sơ với hàng ngàn cột nhũ đá hình thù đa dạng và đặc sắc. Hang tối cũng là nơi ẩn cư của nhiều loài động vật như dơi, chim én. Đặc biệt, khu vực của hang cũng là nơi trú ẩn của loài Voọc Hà Tĩnh – loài linh trưởng có tên trong sách đỏ của Việt Nam. Đây cũng là hang nước ngầm vào hàng “top” thế giới.
Để tạo sức hút cho các tour du lịch này, ông Kỳ cho biết, ngoài việc theo hành trình tour bình thường, du khách cũng có thể tham gia du lịch mạo hiểm với việc leo núi, bơi qua các con sông ngầm trong hang…
Bên cạnh đó, một số sản phẩm mới cũng đang được giới thiệu tới du khách khi đến Quảng Bình như: tour Rào Thương- Hang Én, đến Phong Nha- Kẻ Bàng theo đường 20 đi tiếp theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến km 37, đi bộ 4km để đến bản của người dân tộc Vân Kiều hoặc khám phá núi U Bò: đỉnh núi cao nhất trong quần thể vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.
Với những sản phẩm mới này, có thể nói du lịch của Quảng Bình khá độc đáo, ấn tượng. Song, dù mới, dù ấn tượng thì cũng cần có thêm những dịch vụ bổ trợ để giữ chân du khách. Để có dịch vụ bổ trợ, cần nhất là quy hoạch cơ sở hạ tầng phải sớm được hoàn thiện. Có quy hoạch tổng thể, hy vọng, thiên nhiên kỳ thú của Phong Nha- Kẻ Bàng sẽ giữ chân du khách nhiều đêm./.
6 tháng đầu năm, Quảng Bình đón khoảng 454.698 lượt khách tham quan du lịch, tăng 11,3%, trong đó lượng khách nội địa ước đạt 396.643, tăng 11,58%. Tổng doanh thu ước đạt 192.755 triệu đồng, tăng 11,59% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: to quoc