Trong những năm gần đây, loại hình du lich làng nghề truyền thống ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng.
Nhiều du khách nước ngoài đã rất thích thú khi tham gia các tour du lịch làng nghề. Bà Barbel Maeseen, một du khách đến từ Ðức, từng cho biết lý do thích thăm làng nghề ở Việt Nam vì được ngắm nhìn phong cảnh làng quê yên bình, được tìm hiểu về các vị tổ nghề, làm quen với những nghệ nhân, nông dân và có khi còn được trực tiếp tham gia vào các quy trình sản xuất sản phẩm thủ công.
Đi dọc chiều dài đất nước hình chữ S, du khách gần như có thể dừng chân ở bất cứ địa phương nào để tìm hiểu về làng nghề truyền thống. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng hơn 2000 làng nghề thủ công, thuộc 11 nhóm nghề chính là sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, kim khí.
Lợi thế của phần lớn các làng nghề là nằm trên trục giao thông thuận lợi, cả đường bộ lẫn đường sông nên thuận tiện để xây dựng các chương trình du lịch kết hợp. Có thể kế đến các địa phương khá năng động trong việc phát huy lợi thế làng nghề để phát triển du lich như Hà Nội, Hà Tây, Hoà Bình, Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Là tỉnh tập trung nhiều làng nghề nhất cả nước, Hà Tây có “chiêu” thu hút khách tham quan bằng cách tổ chức lễ hội du lịch làng nghề truyền thống thường niên nhằm quảng bá những sản phẩm của làng nghề trong tỉnh. Theo ông Nguyễn Dần, cán bộ Sở Du lich Hà Tây, tại những kỳ hội chợ, nhiều làng nghề đã có cơ hội ký hợp đồng xuất khẩu tại chỗ, mang lại giá trị hàng tỷ đồng mỗi năm.
Các tỉnh Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng lại chọn hình thức xây dựng các trang web giới thiệu làng nghề, tạo ra cơ hội quảng bá thương hiệu và sản phẩm để kích cầu loại hình du lịch làng nghề. Hay tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), mô hình đi dạo bằng trâu đang rất thu hút du khách. Ngồi thong dong trên chiếc xe trâu, ghé thăm các lò gốm trong làng đã cho du khách những cảm nhận thú vị. “Nhờ có hình thức du lich kết hợp này mà lượng du khách đến thăm làng nghề chúng tôi đã tăng gấp 3- 4 lần so với trước”, nghệ nhân Nguyễn Văn Hai, 65 tuổi tự hào về hình thức tiếp thị “độc nhất vô nhị” này.
Nhắc đến những hình thức du lịch làng nghề, không thể bỏ qua một chương trình du lich đã rất nổi tiếng và được các du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích, “Một ngày làm cư dân phố cổ” ở thị xã Hội An (Quảng Nam). Tham gia chương trình này, du khách có thể tự tay làm những chiếc đèn lồng ở phố cổ hay tham gia cuốc đất trồng rau và chế biến các món ăn từ nông sản của làng rau nổi tiếng Trà Quế. Một ngày được “hoá thân” thành cư dân bản địa đã khiến nhiều du khách không thể quên và nóng lòng muốn quay lại mảnh đất này.
Theo thống kê của Công ty du lich dịch vụ Hội An, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm có hơn 1.000 lượt khách nước ngoài cùng hàng ngàn khách nội địa đến “làm nông dân” tại vùng rau Trà Quế.
Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cho rằng, mặc dù ở một số làng nghề như lụa Vạn Phúc (Hà Tây), gốm Bát Tràng (Hà Nội), tranh Đông Hồ, mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng) trên thực tế đã thu hút một lượng du khách đáng kể nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát, chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp.
Bởi vậy, để du lich làng nghề thực sự phát huy tiềm năng và hiệu quả, theo các chuyên gia, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong khâu xúc tiến, quảng bá để thu hút du khách.
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch thì khuyến cáo các làng nghề chú trọng khôi phục kỹ thuật sản xuất truyền thống, khuyến khích sự hợp tác giữa các nghệ nhân, các trường dạy nghề trong khâu truyền nghề cho lớp trẻ để các làng nghề thực sự là điểm dừng chân thú vị với những sản phẩm độc đáo, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách.
Theo TTXVN